Huyện Tháp Mười

Xây dựng vùng nguyên liệu số 1

Cập nhật ngày: 06/04/2015 07:13:08

Liên kết - sản xuất - tiêu thụ với các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo, từng bước nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa đang là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp mà các địa phương hướng đến. Xu hướng liên kết đòi hỏi địa phương phải xây dựng vùng nguyên liệu để doanh nghiệp gắn kết thu mua.

Thời gian qua, huyện Tháp Mười đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu số 1. Vùng nguyên liệu số 1 được giới hạn từ bờ bắc kênh Nguyên Văn Tiếp A - bờ đông kênh Đường Thét - tỉnh lộ ĐT 844 - bờ tây kênh Tư Mới có diện tích sản xuất lúa trên 10.000ha, chiếm trên ¼ diện tích toàn huyện. Đây là 1 trong 4 vùng nguyên liệu lớn của huyện phục vụ cho nhu cầu liên kết sản xuất lúa hàng hóa xuất khẩu và nội địa.

“Với diện tích này, vùng nguyên liệu số 1 sẽ thực hiện liên kết tiêu thụ trên 2.000ha, đồng thời làm tiền đề phát triển vùng sản xuất qui mô lớn và vùng cung cấp nguyên liệu chủ lực cho Khu công nghiệp Trường Xuân - Hưng Thạnh cùng các công ty sản xuất lúa gạo như: Cẩm Nguyên, Bình Đức, Vĩnh Hưng, Phương Đông, Công ty Lương thực Tân Hồng, Công ty Lương thực Cần Thơ...” ông Võ Văn Dũng - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười chia sẻ.

Theo UBND huyện, việc chọn xây dựng vùng nguyên liệu này đầu tiên do nguồn nước phong phú, hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi từng bước xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp lớn, tập trung, đáp ứng nhu cầu phục vụ lượng hàng hóa chế biến gạo xuất khẩu. Đây được xem là mô hình thí điểm, rút kinh nghiệm để tiếp tục xây dựng các vùng nguyên liệu còn lại trên địa bàn.

Theo nhận định của địa phương, dù có những thuận lợi, song hạ tầng thủy lợi như đê bao, cống đập và trạm bơm phục vụ sản xuất còn mang tính tự phát, sản xuất nhỏ lẻ, không tập trung, chưa liên kết cánh đồng sản xuất theo qui mô lớn. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông như cầu, đường phục vụ đưa nguyên liệu tới các khu công nghiệp chế biến xuất khẩu còn thiếu, phải trung chuyển nhiều lần, làm tăng giá thành, giảm chất lượng nông sản.

Trước thực trạng đó, để từng bước đưa nền nông nghiệp của vùng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm giảm chi phí, góp phần tăng năng suất và tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích sản xuất, huyện thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng vùng liên kết.

Đối với vùng nguyên liệu số 1, huyện đầu tư xây dựng 9 công trình để dần hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất cho vùng bằng nhiều nguồn vốn. Theo đó, đầu tư nâng cấp, sửa chữa hoàn thành bờ bao, cống ngầm và đập đất, cầu bêtông, xây dựng công trình đường dal nhằm giúp việc vận chuyển từ nơi sản xuất đến nhà máy thuận lợi

Ngoài ra, để sự kết nối thêm bền vững, huyện củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác dịch vụ nông nghiệp có tiềm lực trong vùng như: HTX Mỹ Đông 3, HTX Phước Tiến, HTX Đông Hiệp, HTX Đông Thành, HTX Đức Huệ, HTX An Phong...

Ông Nguyễn Văn Thiện - Giám đốc HTX Đông Thành cho hay: “Liên kết sản xuất tiêu thụ với doanh nghiệp là một trong những hướng đi cần thiết giúp người nông dân sản xuất bền vững. Để thực hiện điều đó cần cầu nối của HTX. Hiện nay, đơn vị đang tiến tới từng bước củng cố về nhân sự, xây dựng nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất mới”.

K.D

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn