Chung tay thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường

Cập nhật ngày: 25/02/2025 10:07:30

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250225100819dt2-7.mp3

 

ĐTO - Huyện Cao Lãnh là 1 trong những địa phương thực hiện tốt công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, thông qua các giải pháp cụ thể như: tổ chức việc thu gom rác bằng xe chuyên dụng, lựa chọn phương tiện thu gom phù hợp địa bàn; phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào gắn với công tác giữ gìn vệ sinh môi trường.


Xe thu gom rác thải tại khu dân cư xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh (Ảnh: Thành Sơn)

Mỗi năm, UBND huyện Cao Lãnh đều ban hành các kế hoạch tăng cường thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa trên địa bàn huyện. Ước tính, tại các xã, thị trấn trong huyện, mỗi ngày khối lượng chất thải rắn sinh hoạt khoảng 97,5 tấn, có 51.151/53.150 hộ dân trên địa bàn huyện thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo theo quy định (đạt 96,2%). Trong đó, số hộ đăng ký dịch vụ thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt đúng quy định trên địa bàn xã, thị trấn đạt 76%, số hộ dân tự thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt bằng biện pháp phân loại, chôn lấp hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn chiếm hơn 20%. Việc vận chuyển, thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn do Công ty CP Cấp nước và Môi trường Đô thị Đồng Tháp thực hiện.

Hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Cao Lãnh được các ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn thực hiện đồng bộ, nền nếp. 100% các xã, thị trấn đều bố trí thùng rác lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt của các hộ dân sống tại các tuyến đường, khu vực công cộng, công viên... với hơn 13.030 thùng chứa rác các loại được bố trí phù hợp. Để thu gom rác tại các địa điểm, huyện có 1 xe ép rác chuyên dụng tải trọng 10 tấn và 2 xe có tải trọng 6 tấn. Ngoài ra, để thu gom rác thải trên những tuyến đường nhỏ hẹp, huyện đã đầu tư 19 xe kéo loại nhỏ để vận chuyển thùng rác và xe 3 bánh do người dân trang bị theo hình thức xã hội hóa với đội ngũ thu gom, vận chuyển rác là 24 người, tần suất thu gom rác 1 lần/ngày.

Chất thải rắn sinh hoạt được thu gom trực tiếp từ các hộ dân theo lịch trình sẽ vận chuyển về khu xử lý rác đảm bảo vệ sinh môi trường. Theo lịch trình, xe thu gom rác của Công ty CP Cấp nước và Môi trường Đô thị Đồng Tháp sẽ thu gom rác tại nhà dân; đối với những tuyến đường nhỏ, xe thu gom rác không vào được thì đội thu gom rác của xã, thị trấn thu gom, vận chuyển ra địa điểm và chuyển giao rác cho xe chuyên dụng. Hoạt động trên diễn ra trong thời gian ngắn, chất thải rắn sinh hoạt không đổ xuống mặt đất, các xe gom rác chỉ tập kết trong thời gian khoảng 1 - 2 giờ, không có chất thải rắn hoặc nước rỉ rác rơi vãi.

Tại các xã, thị trấn, việc xử lý các chất thải phát sinh trong xây dựng như: mảnh vụn của gạch, đá, xi-măng, sắt, gỗ được các đơn vị quản lý yêu cầu chủ hộ tái sử dụng hoặc thu gom theo quy định. Qua kiểm tra, phối hợp nhắc nhở của lực lượng chức năng huyện, xã, thị trấn, tỷ lệ chất thải rắn xây dựng được thu gom xử lý đạt 100%. Đối với các phụ phẩm nông nghiệp, thông qua công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân của ngành nông nghiệp huyện, các loại phụ phẩm như: rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch được nông dân bán để tái sử dụng cho mục đích trồng nấm, làm thức ăn gia súc. Hiện nay, người dân không đốt rơm rạ ngoài đồng gây ô nhiễm môi trường.

Cùng với công tác thu gom, xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt, công tác tuyên truyền vận động người dân, thành viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội tham gia hưởng ứng việc phân loại rác thải, hạn chế sử dụng túi nilon được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Hội Nông dân, Huyện đoàn tích cực tham gia. Thông qua các mô hình như: đổi rác lấy quà lan tỏa lối sống xanh, hướng dẫn phân loại rác sinh hoạt tại nguồn; phân loại xử lý rác thải tại hộ gia đình, chung tay bảo vệ môi trường gắn với tiêu chí “5 không 3 sạch”; mô hình “Dòng sông không rác”... góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Trong năm 2025, UBND huyện Cao Lãnh, các ngành, UBND các xã, thị trấn tiếp tục đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ mở rộng tuyến thu gom rác, phân loại rác thải tại nguồn. Đồng thời phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội nhân rộng mô hình phân loại rác tại nguồn, tận dụng chất thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thu gom, xử lý chất thải phát sinh các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; đối với các trường hợp vi phạm, ảnh hưởng đến môi trường kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định.

D.C

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn