Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường
Cập nhật ngày: 08/01/2024 10:49:29
ĐTO - Năm 2023, UBND huyện Cao Lãnh cùng các ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, UBND các xã, thị trấn thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường (BVMT). Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BVMT, phổ biến giáo dục pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp xả thải ra môi trường, đầu tư thiết bị thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt.
Hội viên phụ nữ xã Phương Thịnh tham gia mô hình “Phân loại xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình”
UBND huyện cùng các ngành liên quan phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền đến người dân tầm quan trọng của công tác BVMT, vận động hội viên, thành viên triển khai mô hình phân loại và giảm thiểu rác thải nhựa tại các xã nông thôn mới nâng cao; thực hiện 39 mô hình “Vườn ươm cây xanh” tại các điểm trường học, mô hình “Tuyến đường không rác”. Huyện đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân huyện tổ chức các hoạt động ra quân vệ sinh môi trường, trồng hoa trên các tuyến đường nông thôn, tặng giỏ xách nhựa khuyến khích hội viên hạn chế sử dụng túi nhựa, túi nilon, thực hiện phân loại rác sinh hoạt. Qua công tác phối hợp, tổ chức thành công các sự kiện hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3), Ngày Khí tượng thế giới năm (23/3), Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 thu hút hơn 730 đoàn viên, thanh niên tham gia và trồng trên 8.500 cây xanh; tổ chức 3 lớp tập huấn tuyên truyền pháp luật về BVMT tại 3 xã: Tân Hội Trung, Bình Hàng Trung và Bình Hàng Tây có 361 lượt người tham dự. Công tác BVMT tại các làng nghề được chú trọng, hoạt động thu gom và xử lý chất thải được đảm bảo, không phát sinh ô nhiễm môi trường. Đối với việc thu gom bao, gói chứa thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, các ngành liên quan phối hợp với Công ty Tiến Phát triển khai lắp đặt bổ sung 150 bể lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn các xã, thị trấn, nâng tổng số bể lắp đặt trên toàn huyện là 785 bể và 2 kho lưu chứa. Kết quả thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng năm 2023 là 12.000kg.
Công tác thu gom quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn được thực hiện tốt, trung bình mỗi ngày huyện có khoảng 81,9 tấn chất thải sinh hoạt. Trong đó, khu vực đô thị khoảng 21,6 tấn/ngày và khu vực nông thôn là 60,3 tấn/ngày. Khối lượng rác được thu gom và xử lý theo quy định chiếm 80% tổng khối lượng rác phát sinh trên địa bàn. Hoạt động thu gom vận chuyển rác được Công ty CP Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp thực hiện, xử lý theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh. Hiện nay, công tác thu gom rác trên các tuyến đường nhỏ hẹp được thực hiện bằng các loại xe kéo loại nhỏ; huyện đã đầu tư 19 xe kéo loại nhỏ và xe 2 bánh do người dân tự trang bị theo hình thức xã hội hóa để mở rộng tuyến thu gom rác thải trên địa bàn xã, thị trấn.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng huyện thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp cố tình vi phạm xả thải gây ô nhiễm môi trường. Trong năm 2023, các ngành chức năng của huyện tiếp nhận thông tin phản ánh và giải quyết 7/7 trường hợp kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường trên địa bàn theo thẩm quyền. Cùng với công tác vận động, tuyên truyền và xử lý rác thải, công tác bảo tồn đặc trưng về đa dạng sinh học tại Khu du lịch sinh thái Rừng tràm Gáo Giồng và Khu Căn cứ cách mạng Xẻo Quít được thực hiện thường xuyên thông qua việc trồng mới và chăm sóc cây, phòng, chống cháy rừng...
Trong năm 2024, UBND huyện Cao Lãnh cùng với các ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, UBND các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân đăng ký tham gia thu gom rác thải sinh hoạt, phấn đấu nâng tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại được thu gom và xử lý đạt 100%.
Các tổ chức chính trị - xã hội huyện vận động hội viên, thành viên tham gia xây dựng tuyến đường hoa, tuyến đường kiểu mẫu, mô hình “Vườn ươm thanh niên”, xây dựng cảnh quan môi trường “Sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn”, “Nhà sạch, vườn xanh, đường, sông không rác”, ra quân vệ sinh quét dọn các tuyến đường, chỉnh trang hàng rào, cây xanh. Tăng cường vốn đầu tư cho hạ tầng, thiết bị phục vụ việc mở rộng tuyến thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp. Đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vứt rác thải bừa bãi, không đúng nơi quy định, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
D.C