Chủ động bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp thời điểm triều cường dâng cao

Cập nhật ngày: 16/10/2022 11:56:17

ĐTO - Những ngày qua, nước lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường nên mực nước ở các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp dâng cao, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình này, ngành chức năng và nông dân các địa phương đã khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó nhằm kéo giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.


Nông dân trồng quýt Tết tại huyện Lai Vung chủ động bơm nước chống úng cho vườn. 
Ảnh: Trang Huỳnh

Triều cường lên nhanh, gây ảnh hưởng

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ứng phó với biển đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) tỉnh Đồng Tháp, lũ kết hợp triều cường gây ra nhiều ảnh hưởng đến diện tích vườn cây ăn trái và hoa kiểng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tại huyện Châu Thành có xã Tân Bình bị ngập cục bộ, ảnh hưởng khoảng 50ha hoa màu, ước thiệt hại khoảng 70% diện tích. Các xã còn lại bị nước tràn cục bộ, địa phương kịp thời bơm tiêu chống úng nên đến nay chưa ghi nhận thiệt hại. Còn tại huyện Lấp Vò, mưa lũ kết hợp triều cường gây ảnh hưởng khoảng 50ha vườn cây ăn trái tại xã Hội An Đông; xã Định Yên bị ảnh hưởng khoảng 30ha trồng cây ăn trái, hoa màu của hộ dân...

Tại TP Sa Đéc, lũ kết hợp triều cường gây ngập các tuyến đường đô thị, các trường học, khu quảng trường công viên và gây ngập khoảng 14,6ha trồng hoa kiểng của người dân (6ha diện tích cỏ nhung, 5ha diện tích hoa kiểng tại phường Tân Quy Đông; 3,6ha hoa màu, cây ăn trái ở phường An Hòa và 25.000 cây hoa cúc tiger tại xã Tân Khánh Đông).

Đang bơm nước ra khỏi vườn, anh Huỳnh Thanh Tuấn ngụ xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc cho biết: “Gia đình tôi đang chăm sóc 6.000m2 hoa, kiểng Tết. Tôi cứ nghĩ là con nước về không lớn nên công tác chuẩn bị cơi nới hoa, kiểng bị thụ động. Vì vậy, khoảng 2 ngày qua, khi mưa lớn kéo dài cộng với triều cường dâng cao làm ảnh hưởng đến hoa kiểng. Chúng tôi phải cơi nới các kệ trồng đảm bảo chắc chắn, đồng thời bơm nước chống úng nhằm giúp hoa, kiểng phát triển tốt”.

Toàn huyện Lai Vung hiện có hơn 6 ngàn ha cây ăn trái, trong đó cây có múi là 3.400ha. Ứng phó với triều cường dâng cao, ngành chuyên môn và các địa phương đã chủ động khâu bơm chống úng, kết hợp kiểm tra bờ bao thường xuyên để kịp thời gia cố. Ông Trần Thanh Sỹ - Chủ tịch UBND xã Long Hậu, huyện Lai Vung cho biết: “Từ ngày 19 - 22/10, do ảnh hưởng mưa, bão kết hợp triều cường nên mực nước trên địa bàn huyện dâng cao, xảy ra ngập cục bộ ở một số ô bao sản xuất nông nghiệp. Để hỗ trợ nông dân sản xuất, địa phương đã chỉ đạo các ấp họp dân, tiến hành xây dựng các đập dã chiến ở các đoạn xung yếu và cống hở nhằm ngăn chặn nước lũ và triều cường cao, bảo vệ diện tích vườn. Với một số đoạn đê bao thấp và sạt lở, địa phương cũng chủ động khắc phục và gia cố cao lên, ngăn các con nước lớn”.

Theo ông Huỳnh Minh Đường - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh Đồng Tháp, ngay sau khi nhận được tin báo về tình trạng ngập lụt, nước tràn cục bộ tại một số ô bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp, ngành chức năng các địa phương trong tỉnh cùng người dân đã có kịp thời có phương án bơm tiêu chống úng, gia cố các ô bao bị tràn và có nguy cơ bị tràn. Qua đó, giúp hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng, nhất là các diện tích sản xuất nông nghiệp.


Nông dân Làng hoa Sa Đéc kê giàn và di chuyển hoa kiểng nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của triều cường

Chủ động các biện pháp ứng phó

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Tháp, trong 10 ngày tới, mực nước khu vực các huyện đầu nguồn và nội đồng Tháp Mười biến đổi chậm; mực nước tại các huyện phía Nam của tỉnh đạt đỉnh triều cường (ngày 11- 12/10/2022, tức ngày 16-17/9 âm lịch), sau đó, biến đổi chậm và xuống dần. Dự báo những ngày tới, mực nước tại Trạm Tân Châu (tỉnh An Giang) sẽ khoảng 370cm, cao hơn báo động 1 khoảng 20cm; mực nước tại Trạm Cao Lãnh khoảng 258cm, cao hơn báo động cấp III khoảng 28cm, bằng đỉnh triều cao nhất năm 2011 và xấp xỉ năm 2000; mực nước tại Trạm Trường Xuân khoảng 215cm, cao hơn so với mức báo động cấp II khoảng 15cm.

Trước tình hình này, ông Huỳnh Văn Tồn - Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung cho biết: “Nhằm sản xuất nông nghiệp ăn chắc, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó, thường xuyên kiểm tra theo dõi tình hình thời tiết. Đồng thời phân công thành viên thuộc Ban Chỉ huy ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện tiếp tục bám sát địa bàn nhằm chủ động chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”; thường xuyên kiểm tra, rà soát các đê bao xung yếu, gia cố các đập dã chiến để ngăn triều cường...”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc - Trưởng Phòng Kinh tế TP Sa Đéc chia sẻ: “Triều cường dâng cao mấy ngày qua, ảnh hưởng đến một phần nhỏ diện tích hoa kiểng của thành phố nhưng không gây thiệt hại đáng kể. Nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất, sinh hoạt của người dân, thành phố chủ trương cho đắp bao đất chắn ngang các đoạn nước tràn khu vực bờ kè để hạn chế nước vào các cống, cửa xả nước; vận động người dân kê cao các giàn hoa, kiểng nhằm hạn chế ảnh hưởng ngập nước. Đồng thời cử cán bộ đi kiểm tra thường xuyên các đoạn đê bao, cống nước xung yếu để có cảnh báo kịp thời tình hình thủy văn cho người dân”.

Ông Huỳnh Minh Đường - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo, hiện nay, mực nước đang lên nhanh do lũ kết hợp với triều cường và mưa lớn. Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố cần tăng cường theo dõi, tuyên truyền các bản tin dự báo tình hình thủy văn, triều cường hàng ngày do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh cung cấp nhằm hướng dẫn các xã, phường, thị trấn, qua các phương tiện thông tin đại chúng, các ứng dụng Zalo, Facebook... để Nhân dân nắm, chủ động phòng tránh. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, gia cố các ô bao, bờ bao xung yếu, các đoạn cống đập xuống cấp; chuẩn bị máy bơm, phương án sẵn sàng tiêu úng, bảo vệ an toàn diện tích sản xuất nông nghiệp...

Trang Huỳnh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn