Hướng tới chuỗi giá trị và sản xuất nông nghiệp xanh

Cập nhật ngày: 06/10/2022 15:24:39

ĐTO - Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh, việc chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp ở Việt Nam là một trong những giải pháp tất yếu. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này đòi hỏi có sự đầu tư, cải cách chính sách lớn để điều chỉnh các biện pháp khuyến khích, phối hợp hành động của các bên liên quan, các cấp...


Trình diễn sử dụng máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp ở Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, TP Cần Thơ

Những thách thức và ưu tiên của đồng bằng sông Cửu Long

Vừa qua, tại hội thảo “Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” và lễ công bố Báo cáo “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Cần Thơ, bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, ngành nông nghiệp dù đạt rất nhiều thành tựu nhưng cũng tác động lớn vào việc phát thải khí nhà kính. Do đó, đã đến lúc cần phải chuyển đổi sang phương thức canh tác mang tính bền vững hơn.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập ở ĐBSCL, vùng ĐBSCL đang đối diện với nhiều khó khăn về sạt lở, xâm nhập mặn, ô nhiễm sông ngòi, cạn kiệt tài nguyên... Trong đó có 3 nhóm tác động gồm nhóm trên thượng nguồn xuống; nhóm biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nhóm nội tại ở ĐBSCL. Đối với nhóm nội tại của vùng ĐBSCL, ông Thiện cho rằng, tác động này bắt nguồn từ nền nông nghiệp thâm canh, chạy theo số lượng quá đà trong thời gian dài. Điều này để lại nhiều hệ lụy cho ĐBSCL bao gồm: người dân vẫn không thoát nghèo; môi trường nước sông bị ô nhiễm, không sử dụng được chuyển sang khai thác nước ngầm, gây sụt lún.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, thời gian qua, vùng ĐBSCL có 2 vấn đề lớn đó là tư duy tiểu nông và chênh lệch về thu nhập. Thực trạng này dẫn đến các thách thức, đó là người nông dân chậm đổi mới, ít thay đổi phương thức sản xuất, đất sản xuất manh mún, ít doanh nghiệp nông nghiệp đầu tàu, việc tiếp cận thông tin biến đổi khí hậu của người dân còn ít, nguồn lực về nông nghiệp chưa như mong đợi.

Chuyển đổi tư duy, cách tiếp cận mới

Vừa qua, Chính phủ đã bàn về quy hoạch Quốc gia, trong đó, ĐBSCL cũng được đưa ra bàn thảo là tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm lúa. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần thay đổi cách nhìn. Thay vì đặt câu hỏi gói tài trợ này, mỗi địa phương được gì thì nên nhận định theo tư duy mới là ĐBSCL được cái gì. Hiện nay, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL với 4 vùng sinh thái khác nhau, không thể có một bảng quy hoạch vùng phù hợp với tất cả các tỉnh. Trên tinh thần thích ứng, các địa phương cần năng động hơn, dựa trên đặc thù của địa phương.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, đã đến lúc người dân đồng bằng cần nhìn biến đổi khí hậu bằng tư duy tích cực, cùng tìm giải pháp để phát triển thông qua sự đồng hành của các tổ chức quốc tế. “Chúng ta không mơ nước sông Mekong đầy phù sa mà phải chấp nhận và đi lên từ thực trạng đó, hướng tới lợi ích chung của người dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bà Carolyn Turk chia sẻ, việc cải thiện quản lý nước và tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón và thuốc trừ sâu giúp nông dân duy trì hoặc tăng sản lượng từ 5 - 10%, đồng thời giảm chi phí đầu vào từ 20 - 30%, từ đó tăng lợi nhuận ròng khoảng 25%. Quan trọng hơn, những kỹ thuật cải tiến này sẽ giúp cắt giảm phát thải khí nhà kính tới 30%. Những số liệu trên được chứng minh qua dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững ở Việt Nam” (VnSAT) do WB tài trợ thực hiện trên hơn 184.000ha lúa canh tác trên cả nước. Hiện, WB đã đồng ý tham gia một dự án mới ở ĐBSCL nhằm hỗ trợ giải quyết các thách thức về quản lý tài nguyên nước, xây dựng sinh kế nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, muốn nâng cao đời sống nông dân thì phải giúp họ thay đổi tư duy, thói quen canh tác. Đồng thời áp dụng chuyển đổi số để phù hợp xu hướng phát triển của thế giới. Đẩy mạnh phát triển hợp tác xã và xây dựng thương hiệu nông sản, cũng như xây dựng đội ngũ chuyên gia nông nghiệp để hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn.

NGUYỆT ĐỖ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn