Khởi nghiệp từ mô hình sản xuất phôi giống nấm

Cập nhật ngày: 01/10/2022 05:51:12

ĐTO - Năng động, dám nghĩ, dám làm, chị Phạm Thị Phước Vân (SN 1996) - chủ Cơ sở Phước Vân Farm thuộc xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành - đã chọn mô hình sản xuất phôi giống nấm để khởi nghiệp. Điều này hướng đến việc tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp tại quê hương, đồng thời đem lại thu nhập cao cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động...


Chị Phạm Thị Phước Vân đang nghiên cứu các phôi giống nấm chất lượng cung ứng cho nhu cầu thị trường

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Trường Đại học An Giang, chị Phạm Thị Phước Vân có công việc ổn định tại một doanh nghiệp ở TP Sa Đéc. Trong thời gian làm việc, chị Vân vẫn ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp từ việc khai thác lợi thế sẵn có tại quê hương. Chị nghĩ rằng, thời gian qua, rơm rạ được tận dụng như: trồng nấm rơm, làm thức ăn cho bò, làm giá thể để trồng cây, ủ phân... nhưng vẫn chưa tận dụng được triệt để nguồn nguyên liệu dồi dào này, thậm chí nhiều người vẫn đốt bỏ rơm trên đồng ruộng, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí nguồn nguyên liệu. Từ đó, cô gái 9X nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp từ sản xuất phôi giống nấm.

Khi đã hoàn tất những nghiên cứu từ sách, báo và học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, đầu năm 2021, chị Vân quyết định xin nghỉ việc, trở về quê hoàn thành ý tưởng của mình nhằm nghiên cứu trồng phôi giống nấm hoàng đế, hoàng kim, bào ngư xám, hồng ngọc... bằng rơm khô. Điều này, hướng đến việc giúp nông dân có thêm mô hình sản xuất nông nghiệp mới, tận dụng được nguồn nguyên liệu địa phương, gia tăng kinh tế từ sản phẩm nấm và cung cấp ra thị trường dòng sản phẩm tươi ngon và giá trị dinh dưỡng cao.

Chị Vân nhận định, hiện nay, các loại nấm chủ yếu trồng bằng phôi mùn cưa của các trang trại nấm làm sẵn. Tuy nhiên, năng suất không được cao và tốn thời gian lâu mới thu nấm; chi phí của bịch phôi khá cao, khi trồng sản xuất số lượng lớn sẽ cần vốn nhiều nên rất khó có thể triển khai cho các hộ nông dân ít vốn. “Tôi đã quyết định nghiên cứu quy trình sản xuất phôi giống nấm đơn giản bằng nguyên liệu rơm rạ vừa dễ tìm, vừa giúp nông dân tiết kiệm chi phí mua phôi làm sẵn. Cách làm này, không những đạt năng suất cao hơn mà còn tiết kiệm được nhiều thời gian hơn cách mua phôi mùn cưa làm sẵn” - chị Vân chia sẻ.

Song, dù thực hiện rất cẩn thận từ những chi tiết nhỏ nhất bằng cả tâm huyết của mình, nhưng kết quả không như mong đợi, sản phẩm phôi giống nấm làm ra bị lỗi hơn 50%. Quyết không từ bỏ, chị Vân tiếp tục nghiền ngẫm lại và tìm hiểu các lý do gây thất bại, rồi khắc phục dần, làm lại nhiều lần.

Chị Vân từng bước vừa sản xuất vừa rút kinh nghiệm. Đến tháng 10/2021, chị đã thành công khi đưa ra những mẻ phôi giống nấm chất lượng. Hiện tại, chị chủ yếu sản xuất giống nấm và cung cấp cho các trang trại, còn dư thì bán lẻ cho khách về trồng tại nhà. Trung bình, mỗi tháng, chị Vân sản xuất khoảng 2000-3000 bịch giống, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, chị còn mở các khóa học hướng dẫn online trồng nấm tại nhà trong mùa dịch và bán nấm tươi.

Chị Phạm Thị Phước Vân cho biết: “Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng xưởng với quy mô tăng gấp 5 lần so với hiện tại, nhằm cung cấp cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, tôi cũng sẽ nghiên cứu thêm các giống nấm mới phù hợp với khí hậu Việt Nam; mở các lớp hướng dẫn kĩ thuật trồng nấm và nghiên cứu các sản phẩm sau thu hoạch”.

Nhật Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn