Canh tác nông nghiệp hữu cơ hướng đến sản xuất mang tính bền vững
Cập nhật ngày: 08/09/2022 05:56:25
ĐTO - Nhạy bén trước sự thay đổi của thị trường, trách nhiệm với người tiêu dùng, nhiều nông dân đã lựa chọn mô hình canh tác hữu cơ, hướng đến sản xuất mang tính bền vững...
Sản xuất theo tín hiệu thị trường
Anh Lê Văn Bo sinh ra và lớn lên ở huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) có hơn 10 năm gắn bó với cây sen. Khởi đầu, anh Bo thuê hơn 3.000m2 đất trồng sen ở xã Gáo Giồng, thành công mang về hơn 15 triệu đồng tiền lãi. Anh Bo đem hết vốn liếng mạnh dạn thuê thêm 2ha, rồi tăng lên 10ha để trồng sen. Trong thời gian này, anh bắt đầu gặp khó khăn khi nhiều ruộng sen bị dịch bệnh tấn công, giá gương sen liên tục giảm mạnh.
Bằng sự nhanh nhạy nắm bắt xu hướng thị trường, anh Bo chọn cho mình hướng đi mới với mô hình trồng sen hữu cơ. Mất gần 6 năm chuyển đổi (từ năm 2012-2018), đến nay, ruộng sen hữu cơ 30ha của anh Bo từng bước đi vào ổn định. Anh Lê Văn Bo chia sẻ: “Tôi nghĩ đơn giản thế này, việc tuân thủ thực hành sản xuất hữu cơ để duy trì một hệ sinh thái sôi động giúp cho cây trồng khỏe mạnh hơn, sản phẩm giàu dinh dưỡng và giảm chi phí sản xuất. Từ ngày trồng sen hữu cơ, tôi hạn chế bán sen ở dạng thô và tăng tốc ứng dụng công nghệ mới để tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng”. Hiện nay, anh Bo còn cung ứng cho thị trường nhiều sản phẩm như: rượu sen, tơ lụa sen, trà hoa sen, tim sen...
Theo bà Bùi Minh Phượng - Giám đốc Công ty TNHH Agripure Việt Nam, ở thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long), trà khổ qua rừng có tác dụng giúp ngủ ngon giấc hơn, giảm mỡ trong máu, thanh lọc cơ thể tốt. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất là phải có sản phẩm được canh tác sạch để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trước những định hướng đó, bà Phượng tự trồng khổ qua rừng, bón phân trùn quế, sử dụng long não, bột tỏi để phòng trừ côn trùng gây hại. Khi thị trường mở rộng, khu vườn trồng khổ qua rừng hữu cơ của bà không đủ cung cấp nguyên liệu, bà Phượng bắt đầu liên kết, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật cho nông dân và trở thành nguồn lực hỗ trợ sinh kế ở nông thôn.
Ông Alan Broughton - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Australia cho rằng, phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ ở Việt Nam gặp một số khó khăn nhất định do quy mô sản xuất quá nhỏ, chịu áp lực trước phương thức sản xuất truyền thống. Vì vậy, yếu tố quan trọng nhất để phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ chính là sự đồng lòng chuyển đổi. Tại tỉnh Đồng Tháp, việc xây dựng khu thực nghiệm, vườn rau hữu cơ vào trường học; bảo tồn Sếu đầu đỏ gắn với nông nghiệp hữu cơ, phát triển du lịch bền vững tại Vườn Quốc gia Tràm Chim - Đồng Tháp là những điểm sáng trong định hướng này.
Thay đổi bắt đầu từ thói quen sản xuất và tiêu dùng
Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 46/63 tỉnh, thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ, với gần 17.200 nông dân tham gia. Đồng thời có 97 doanh nghiệp sản xuất hữu cơ, 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản hữu cơ đến 180 thị trường quốc tế, với kim ngạch 335 triệu USD/năm. Trong đó, Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Ý... là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất trên thế giới.
Thời gian qua, Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thọ, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) áp dụng mô hình sản xuất lúa hữu cơ với 71ha được Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ. Theo ông Phan Hoàng Em - Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thọ, qua 2 vụ thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ, trong vụ lúa hè thu 2021, năng suất đạt từ 6,3 - 6,7 tấn/ha; vụ đông xuân 2021 - 2022 cho năng suất 8 tấn/ha. Năng suất tăng bình quân từ 10 - 15% so với phương thức sản xuất truyền thống. Thực tế cho thấy, khi sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ, lượng phân hữu cơ giúp đất canh tác phục hồi vi sinh, chi phí giảm dần... Đồng thời làm theo quy trình này sẽ tạo thương hiệu gạo sạch, an toàn và được tiêu thụ với giá cao...
Hiện nay, khi thị trường đòi hỏi ngày càng khắt khe, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang mở ra hướng đi mới cho nông sản tiếp cận sâu với thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hướng đi này cần phải đầu tư dài hơi và lay chuyển nhận thức, hành vi từ những nhóm nhỏ trong cộng đồng. Theo bà Mayu Indo - chuyên gia người Nhật Bản đại diện Tổ chức Seed to Table, cách phân tích, chia sẻ kiến thức “rau lành, gạo sạch, sống thuận thảo với thiên nhiên” cần phải kiên nhẫn nhưng chi phí - lợi ích sẽ hài hòa hơn với số đông. Dù khó nhưng không bỏ cuộc, việc thay đổi bắt đầu từ thói quen sản xuất và tiêu dùng...
NGUYỆT ĐỖ