Ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp bền vững
Cập nhật ngày: 28/08/2022 07:05:15
ĐTO - Việt Nam có điều kiện thiên nhiên thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp với nhiều loại nông sản có giá trị. Các mặt hàng xuất khẩu như: gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, chè, cao su... đứng top đầu thế giới, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế.
Sử dụng phân hữu cơ trong canh tác lúa giúp nông sản đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh những thuận lợi nhất định, nông sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, rào cản lớn nhất là các tiêu chuẩn về chất lượng, đáng chú ý là tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản xuất khẩu. Nguyên nhân là do thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học để kiểm soát dịch hại, tăng liều hoặc trộn nhiều hoạt chất thuốc để phun, không đảm bảo thời gian cách ly. Trong khi đó, mặt trái của thuốc hóa học là chỉ có tác dụng kiểm soát dịch hại tạm thời nhưng lại gây hậu quả về môi trường rất nặng nề và cần được thay thế.
Trước thực trạng trên, việc phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học đang là xu hướng tất yếu ở tất cả các quốc gia và cả Việt Nam. Ứng dụng các chế phẩm sinh học vừa giúp tăng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao cạnh tranh, vừa giúp xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Theo các chuyên gia, điểm ưu việt của chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ là giúp hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường. Mô hình nông nghiệp này giúp duy trì sự cân bằng tốt giữa nhu cầu sản xuất lương thực - thực phẩm và bảo vệ hệ sinh thái. Đồng thời không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng. Sử dụng chế phẩm sinh học giúp tăng độ phì nhiêu của đất, không làm ảnh hưởng đến kết cấu đất, chai sạn và thoái hóa đất. Vi sinh vật có trong chế phẩm sinh học có khả năng đồng hóa các chất dinh dưỡng, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản.
Đáng quan tâm hơn là các chế phẩm sinh học có tác dụng tương tự như các loại thuốc bảo vệ thực vật khác trong tiêu diệt sâu bệnh, côn trùng gây hại, tăng khả năng đề kháng bệnh của cây trồng... Mặt khác, có khả năng phân hủy, chuyển hóa các chất hữu cơ bền vững, các phế thải sinh học, phế thải nông nghiệp, công nghiệp, góp phần làm sạch môi trường đất nói riêng và môi trường nói chung.
Nông dân xã Long Thắng, huyện Lai Vung sử dụng phân hữu cơ để trồng dưa hấu
Với những tính năng ưu việt đó, thời gian qua, Đồng Tháp đẩy mạnh ứng dụng chế phẩm sinh học và sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững. Qua đó, tạo đòn bẩy góp phần thúc đẩy kinh tế, phát huy thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh nhà.
Trên tinh thần đẩy mạnh ứng dụng chế phẩm sinh học và sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh quan tâm quy hoạch xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung. Theo đó, tỉnh định hướng xây dựng hệ thống phân phối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất hữu cơ tập trung; ưu tiên kết hợp với du lịch, nông nghiệp sinh thái. Trên cơ sở đó, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật và tập huấn, chuyển giao, hình thành vùng sản xuất các sản phẩm bản địa, đặc trưng có tiềm năng để xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm để đầu tư sản xuất hữu cơ. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố dựa vào thế mạnh về cây trồng, vật nuôi trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Tỉnh còn đẩy mạnh quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, quản lý đầu vào của sản xuất hữu cơ và quản lý sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Hướng đến sự phát triển bền vững, tỉnh quan tâm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, thực hiện các cơ chế chính sách đã ban hành về nông nghiệp hữu cơ; nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, đặc biệt là khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ; tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đầu tư trong lĩnh vực này. Đồng thời đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ làm nòng cốt, bố trí làm việc tại tỉnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ trong công tác quản lý, kiểm tra giám sát các tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ về quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, kỹ năng đánh giá, giám sát sản xuất, kỹ năng marketing và bán hàng...
Không dừng lại đó, tỉnh còn quan tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ với việc xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật theo hướng ứng dụng công nghệ kết hợp với phát huy kiến thức bản địa, sản xuất hữu cơ gắn với chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh; nghiên cứu phát triển và ứng dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ sinh học, tác nhân phòng trừ sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thay thế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản; các chế phẩm sinh học xử lý môi trường nông nghiệp.
Mặt khác, đánh giá thực trạng độ phì nhiêu đất, nhu cầu dinh dưỡng cho các cây trồng chủ lực phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững; nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, đặc biệt kháng sâu bệnh, phù hợp với sản xuất hữu cơ; hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận và ứng dụng các công nghệ hiện đại trong sản xuất và chế biến để tăng giá trị sản phẩm.
Giàn khổ qua canh tác theo hướng hữu cơ
Xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh được xem là những yếu tố quan trọng. Theo đó, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất tập trung tạo ra hàng hóa quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và phát triển thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam; kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, đưa các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích và chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn; mời gọi các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản phẩm có chứng nhận để hỗ trợ liên kết tiêu thụ đối với những sản phẩm từ các mô hình nông nghiệp hữu cơ của tỉnh.
Ngoài ra, cần có sự đầu tư tổ chức các diễn đàn, hội thảo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nông dân ứng dụng rộng rãi các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, hướng đến phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững.
HẠ THẢO