Làm nông nghiệp sạch để tự cứu mình

Cập nhật ngày: 04/10/2018 09:18:04

ĐTO - Hiện nay xu hướng thị trường đã thay đổi, người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn. Do đó, nếu người sản xuất không tự thay đổi mà cứ chăm chăm vào phương thức sản xuất cũ thì sẽ không thể tồn tại được...


Theo Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, khuynh hướng sản xuất nông sản sạch đang được thế giới đặc biệt quan tâm, vì vậy nông dân cần thay đổi cho phù hợp

Tại tọa đàm “Đồng Tháp hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch” vừa qua, Bí thư Lê Minh Hoan chia sẻ, có một thời kỳ mỗi khi năng suất lúa cán mức 1,5 triệu tấn, 2 triệu tấn là tỉnh long trọng tổ chức lễ mừng công... Chính sự hồ hởi theo năng suất này, cộng với lối tuyên truyền, khuyến nông theo tài trợ của doanh nghiệp kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BTTV), rồi nạn doanh nghiệp nông sản kinh doanh theo kiểu “ăn xổi ở thì”... vô tình đã làm nông dân ngộ nhận rằng, năng suất là tất cả và chỉ có phân bón, thuốc BVTV là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công”.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2017, Việt Nam có gần 20.000 chủng loại phân bón được cấp phép lưu hành. Bình quân mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ trên 2 triệu tấn phân urê, với lượng thất thoát khoảng 50%, trong đó chủ yếu ngấm vào nước và không khí. Điều đáng lo ngại hiện nay là tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở nông dân và người dân nông thôn rất cao, chiếm đến 70% trên tổng người mắc bệnh ung thư.

Chỉ tính riêng về tình hình sử dụng phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2017, nông dân đã sử dụng hơn 358 ngàn tấn phân bón và trên 2.700 tấn thuốc BVTV cho tổng diện tích là 591 ngàn ha.

Điều này đặt ra vấn đề là nông dân - người trực tiếp sản xuất cần thay đổi để tự cứu mình trước tiên, sau đó là bảo vệ sức khỏe bản thân, người tiêu dùng, không gây ảnh hưởng đến môi trường sống và đặc biệt là đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đó là câu hỏi đặt ra của nhiều nông dân và người dân trong tình hình hiện nay. Trả lời câu hỏi này, cũng tại tọa đàm “Đồng Tháp hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch”, nhà báo Trần Xuân Toàn đưa ra giải pháp đó là, để người nông dân thay đổi và biết cách thay đổi, trước tiên ngành nông nghiệp phải cung cấp thông tin cho người dân những kiến thức cần thiết về sản xuất nông nghiệp sạch, đặc biệt tuyên truyền lâu dài để người nông dân từng bước thay đổi thói quen sản xuất thâm canh dựa vào thuốc hóa học.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho rằng, ông rất trân trọng những người giải cứu nông sản giúp nông dân, nhưng không đồng tình với giải pháp này. Theo tiến sĩ, từ thực tế nông sản mất giá do nhiều nguyên nhân, đòi hỏi phải có sự thay đổi từ người nông dân về cách sản xuất, ngành chức năng thay đổi cách quản lý, đồng thời doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ đạo trong chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản sạch.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Đồng Tháp rất sáng tạo với mô hình hội quán nông dân, vì vậy chúng ta có thể thông qua mô hình này truyền tải đến bà con những kiến thức cần thiết về sản xuất nông nghiệp sạch, từng bước thay đổi thói quen sản xuất thâm canh dựa vào thuốc hóa học.


Mô hình họp trực tuyến với các Hội quán của tỉnh Đồng Tháp được đánh giá là cách làm hiệu quả để truyền tải những kiến thức về sản xuất sạch đến trực tiếp người nông dân

Nói về năng suất chất lượng nông sản có giảm hơn nếu nông dân thay đổi sản xuất theo hướng sạch, giảm phân bón, thuốc BVTV, ông Nguyễn Hồng Quang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông trại Sinh thái (Ecofarm) cho rằng, làm nông nghiệp không có nghĩa là cố gắng làm cho năng suất thật cao, sản phẩm phải bán được đi thật xa mà là có thể tạo ra giá trị kinh tế từ việc làm nông sản sạch. Chẳng hạn, với một hệ sinh thái phong phú như ở Đồng Tháp, nông dân có thể kết hợp mô hình sản xuất nông nghiệp sạch với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, đồng thời có thể bán sản phẩm cho du khách qua các mô hình này với giá cả hợp lý. Khi đó thì giá trị kinh tế nông nghiệp sẽ tăng hơn gấp nhiều lần so với cách sản xuất thông thường. Đó cũng là một cách làm nông nghiệp theo hướng thông minh.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, khuynh hướng sản xuất nông sản sạch đang được thế giới đặc biệt quan tâm. Giáo sư Võ Tòng Xuân khuyến nghị địa phương cần nghiên cứu, tạo giống có năng suất cao hơn, người nông dân cần giảm sử dụng phân bón hóa học, tăng bón phân hữu cơ, bón phân vi sinh. Làm thế nào để sử dụng các chế phẩm vi sinh, giúp khôi phục tình trạng ban đầu của đất, giúp giảm sâu bệnh, hạ thấp chi phí sản xuất nông sản.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan nhấn mạnh, chi phí cao, chất lượng kém - đó là điểm nghẽn lớn của nông nghiệp nước ta. “Mọi sự hỗ trợ đều vô nghĩa nếu bà con nông dân không mạnh dạn thay đổi. Xu hướng thị trường đã thay đổi, người tiêu dùng cũng thay đổi với yêu cầu ngày càng khắt khe hơn, nếu người sản xuất không thay đổi thì sẽ không thể tồn tại được. Mỗi người nông dân không thể vô can trong câu chuyện nông sản sạch mà phải tham gia vào câu chuyện tự giải cứu mình”. Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy, bà con nông dân hãy cùng nhau thay đổi mặc dù sự thay đổi ban đầu là rất khó khăn. Đồng thời, Bí thư cũng đề nghị nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan truyền thông hãy “về làng” để cùng hỗ trợ nông dân, hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, để người nông dân không bơ vơ trên bước đường thay đổi.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn