Tam Nông
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chưa thể tiếp cận các chính sách về nông nghiệp
Cập nhật ngày: 28/05/2018 06:18:56
Vừa qua, Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khảo sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNNN) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tại huyện Tam Nông. Ông Trần Anh Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn.
Đối với Đề án TCCNNN, về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, đã giải ngân trên 32,2 tỷ đồng để đầu tư, mua sắm 97 phương tiện, đưa tỷ lệ cơ giới hóa đạt 100% diện tích canh tác lúa; về hỗ trợ phát triển đối với 5 ngành hàng chủ lực, đã có 24 hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp hoàn thành phương án xây dựng cánh đồng lớn gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2016-2020 với diện tích 10.850ha; thông qua chương trình hỗ trợ tái cơ cấu ngành hàng vịt, đã thực hiện mô hình chăn nuôi vịt đẻ (nuôi rọ) theo hướng an toàn sinh học, liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; đã thành lập 2 Tổ hợp tác chăn nuôi vịt Hải Dương (Phú Cường) và chăn nuôi vịt đẻ (Phú Thành B) với 14.200 con/9 hộ... lợi nhuận bình quân khoảng 34 triệu đồng/1.000 con/năm; đã hỗ trợ chính sách nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 gần 56 triệu đồng; đã thực hiện các mô hình khuyến nông (trồng trọt, chăn nuôi) với kinh phí khoảng 700 triệu đồng/năm bằng nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp.
Khó khăn, vướng mắc của huyện là các HTX chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc xác lập tài sản (máy móc, thiết bị, đường nước...) nên rất khó tiếp cận các tổ chức tín dụng hoặc các chính sách hỗ trợ khác, ảnh hưởng quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; trình độ cán bộ quản lý HTX chưa đủ năng lực, chưa đáp ứng yêu cầu mới đặt ra; một số mô hình đạt hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng (mô hình sử dụng phân bón chậm tan, mô hình trồng bắp sinh khối).
Địa phương kiến nghị cần có văn bản hướng dẫn và triển khai các chính sách thực hiện cụ thể hơn; hỗ trợ kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và HTX dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hoặc các chính sách hỗ trợ khác.
Đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2011-2015, 3 xã điểm: Phú Cường, An Hòa, Hòa Bình được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM; giai đoạn 2016-2020, 3 xã điểm Phú Đức, Phú Thọ, Tân Công Sính đạt từ 14-16 tiêu chí; 5 xã diện còn lại đạt từ 13 tiêu chí trở lên; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, mạng lưới điện, bưu chính, viễn thông ngày càng hoàn chỉnh, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh ngày càng tăng; kinh tế nông thôn tăng trưởng khá, các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được chú trọng... huyện phấn đấu đến năm 2020 có thêm 3 xã đạt chuẩn (Phú Thọ, Phú Đức, Tân Công Sính); tổng vốn thực hiện xây dựng NTM năm 2016 gần 18.200 triệu đồng (6 công trình), năm 2017 gần 14.400 triệu đồng (22 công trình, có 8 công trình thực hiện theo cơ chế đặc thù), năm 2018 gần 7.500 triệu đồng (4 công trình).
Khó khăn của huyện hiện nay là một số tiêu chí: thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm do có sự điều chỉnh theo quy định mới nên các xã rất khó đạt so với trước đây; vốn hỗ trợ chưa đáp ứng nhu cầu, ngân sách địa phương và huy động vốn dân thực hiện các công trình gặp khó khăn, các chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư còn hạn chế; các công trình đầu tư theo cơ chế đặc thù còn nhiều lúng túng; đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn do sản xuất nông nghiệp nhiều yếu tố bất lợi, bộ mặt nông thôn chưa được cải thiện, việc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường còn bất cập; tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng...
Địa phương kiến nghị tỉnh xem xét, đề xuất điều chỉnh tiêu chí thu nhập và hộ nghèo phù hợp tình hình thực tế địa phương (áp dụng cho địa phương có điểm xuất phát thấp); tiếp tục ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn cho các xã điểm giai đoạn 2016-2020 để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và duy tu, sửa chữa các công trình các xã đã đạt chuẩn.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, ông Trần Anh Dũng đánh giá cao HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường từ mô hình kiểu cũ chuyển sang mô hình kiểu mới nên đề nghị HTX tiếp tục duy trì ổn định và phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhận định mặt thuận lợi, khó khăn việc thí điểm đưa cán bộ nông nghiệp về làm Phó Giám đốc HTX trong thời gian qua, đồng thời thông tin tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh sắp tới sẽ thông qua Nghị quyết ban hành cơ chế chính sách đưa sinh viên tốt nghiệp ra trường có trình độ cao đẳng, đại học về làm Phó Giám đốc HTX; từng bước nâng dần chất lượng mô hình tổ hợp tác, trang trại chuyển thành HTX; đồng thời ghi nhận kiến nghị của địa phương để Đoàn có cơ sở tiếp tục làm việc một số cơ quan liên quan có hướng xem xét, giải quyết.
Võ Văn Đề