Chủ động các biện pháp bảo vệ lúa hè thu 2018

Cập nhật ngày: 10/04/2018 04:57:24

ĐTO - Thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã xuống giống hơn 99.000ha lúa hè thu 2018, đạt 52,3% diện tích kế hoạch. Các trà lúa hiện chủ yếu ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh, làm đòng.       


Nông dân phải chú trọng khâu làm đất trước khi gieo sạ vụ hè thu

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Đồng Tháp, trong tuần qua, tình hình sâu bệnh diễn biến khá phức tạp. Đối tượng rầy nâu có số diện tích nhiễm khoảng 907ha trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trỗ, trong đó có 220ha nhiễm nặng với mật số 3.000 - 10.000 con/m2 (huyện Tân Hồng); muỗi hành có diện tích nhiễm khoảng 2.300ha, giai đoạn đẻ nhánh - đòng trỗ, trong đó có 1.880ha nhiễm nặng với tỷ lệ 20 - 90% (huyện Tân Hồng, Tam Nông), nhiễm trung bình 180ha. Sâu cuốn lá nhỏ có số diện tích nhiễm khoảng 2.500ha lúa giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng, trong đó có 305ha nhiễm trung bình với mật số 20 - 40 con/m2, còn lại là nhiễm nhẹ (tăng 2.270ha so với tuần trước).

Ngoài ra, các đối tượng khác như: bọ trĩ, chuột, sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy phấn trắng, vàng lá chín sớm, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt... xuất hiện và gây hại rải rác hoặc ở mức nhẹ. Trước tình hình trên, Chi cục TT&BVTV khuyến cáo, ngành nông nghiệp các địa phương nên vận động nông dân tuân thủ đúng lịch thời vụ, đảm bảo thời gian cách ly, không vội vàng trong xuống giống, nhất là cần chọn giống lúa ít ảnh hưởng dịch bệnh.

Những khu vực chuẩn bị xuống giống lúa, nông dân cần theo dõi rầy vào đèn tại địa phương và xuống giống ngay sau cao điểm rầy di trú để đảm bảo việc xuống giống tập trung đồng loạt, né rầy hiệu quả theo từng ô bao, cánh đồng, nhằm hạn chế thấp nhất sự phát sinh gây hại của bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Những diện tích đã xuống giống, ngay từ đầu vụ cần áp dụng tốt quy trình canh tác “1 phải - 5 giảm”, “3 giảm - 3 tăng”, giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, quản lý nước hợp lý và bón phân cân đối N - P - K nhằm giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt, giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và lợi nhuận.

Đồng thời, nông dân phải tích cực thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời hiệu quả. Thông báo kịp thời cho cán bộ địa phương và cán bộ kỹ thuật nếu phát hiện tình hình sâu bệnh có dấu hiệu diễn biến phức tạp.

Hoài Minh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn