Người phụ nữ dành trọn đam mê với lúa giống

Cập nhật ngày: 21/03/2018 09:40:38

http://baodongthap.com.vn/database/video/20180321103922luamoi.mp3

ĐTO - Cô Lê Kim Tha (55 tuổi) ở xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò đã có hơn 15 năm gắn bó với nghề lai tạo lúa giống. Cô Tha đã nghiên cứu lai tạo thành công 8 loại giống lúa mới. Cô còn được biết đến là người nữ “kỹ sư chân đất” lai tạo giống lúa duy nhất của tỉnh Đồng Tháp hiện nay.


Cô Lê Kim Tha giới thiệu giống lúa mới được nghiên cứu thành công

Xuất thân trong gia đình nhà nông nghèo đông con, nên học hết lớp 8, cô Tha phải thôi học để theo cha mẹ làm nông. Sau khi lập gia đình rồi có con nhỏ, có giai đoạn cô phải thuê đất để sản xuất. Mặc dù vất vả ngoài đồng ruộng nhưng do thiếu khoa học kỹ thuật, hầu như mùa nào cũng thất bát. Năm 2002, biết tin Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa cộng đồng cho nông dân, cô Tha hăng hái tham gia và cũng là thành viên nữ duy nhất của lớp.

Cô kể, không ngại ánh mắt nghi ngại từ bạn học, không ngại nhiều lúc phải mang theo con nhỏ đến các buổi tập huấn vì không ai chăm sóc. Sau đó, cô lại tiếp tục khăn gói tham gia nhiều lớp tập huấn khác như: quy trình sản xuất cách cấp giống, nguyên nhân và cách phòng trừ các loại sâu bệnh hại trên đồng ruộng, cách lai - chọn - tạo giống lúa cộng đồng, chương trình IPM...

Được tiếp xúc với các chuyên gia đầu ngành như Giáo sư - Tiến sĩ (GS.TS) Võ Tòng Xuân, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ... vừa được học lý thuyết, vừa thực hành thực tế trên đồng ruộng, cô Kim Tha nghĩ đến vấn đề lai chọn lúa giống. Cô Tha bộc bạch, là người nông dân, hơn ai hết sẽ hiểu được thổ nhưỡng địa phương, kèm theo đó là sự thấu hiểu, mong muốn đạt hiệu quả khi sản xuất, trong đó giống chiếm tỷ lệ hơn 80%. Mặt khác, Đồng Tháp và các tỉnh lân cận đang chuyển từ giai đoạn 2 vụ lên 3 vụ nên rất cần những giống lúa năng suất và thời gian sinh trưởng ngắn. Đây là tiềm năng rất lớn.

Nghĩ là làm, mong muốn thúc đẩy thành đam mê, cô Tha bắt tay vào việc cấy tép, chọn dòng phân li. Cô Tha cho biết, vốn là nông dân, hoàn cảnh khó khăn, nhưng được sự ủng hộ của gia đình và nhờ cần cù, chăm chỉ nên qua nhiều lần thất bại, đến năm 2011, cô đã đưa ra thị trường giống LV1. Đến nay, mỗi năm, cô cùng một số thành viên trong Câu lạc bộ sản xuất lúa giống xã Tân Mỹ cung ứng ra thị trường hơn 20 tấn lúa với 8 giống khác nhau do chính cô lai tạo.

Được đánh giá có những tính năng vượt trội, được cộng đồng đánh giá cao, hiện các giống từ LV1 - LV8, trong đó nổi bật là giống LV6 đã và đang được nông dân sản xuất đại trà tại Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang và đều nhận được phản hồi tích cực từ các thương lái. Mong ước lớn nhất của cô Lê Kim Tha là giống lúa sẽ được trồng khảo nghiệm rộng rải và được công nhận, từ đó trở thành nguồn giống được sử dụng trên các cánh đồng lớn.

Đang sử dụng giống LV6 của cô Kim Tha để gieo sạ mùa thứ 4, ông Phạm Văn Long ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long nhận xét, giống lúa này phù hợp với thổ nhưỡng ở cả 3 vụ tại huyện Long Hồ. So với các giống truyền thống khác, LV6 có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 85 - 90 ngày); cứng cây, có khả năng kháng sâu rầy cao, hạn chế được thuốc bảo vệ thực vật; năng suất cao (trung bình từ 7 - 8 tấn/vụ); phẩm chất gạo dẻo, trắng, không bị bạc bụng.

Mặc dù công việc lai tạo giống lúa mất khá nhiều thời gian và chi phí để chọn dòng phân li, lai tạo ra các thế hệ lai từ giống thuần và con đường đến với việc công nhận nguồn giống Quốc gia còn khá khó khăn nhưng với cô, đó là đam mê. Thời gian tới, cô vẫn sẽ tiếp tục thực hiện công việc này vì đã “thấm vào máu” và trở thành niềm vui. “Một giống lúa mới ra đời, như một đứa con được tượng hình nên phải cố gắng làm sao để “đứa con này” phải có phẩm chất gạo tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là phải thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay”, cô Tha chia sẻ.

Đánh giá cao về người phụ nữ với tinh thần sáng tạo trong giai đoạn hiện nay, ông Lê Văn Hợp - Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, không chỉ trong ngành nông nghiệp mà con người cần phải đổi mới, tìm tòi, sáng tạo để thích nghi với sự biến đổi, trong đó có ngành nông nghiệp. Việc cô Lê Kim Tha hay các chị em phụ nữ có thể vượt ra “ngưỡng cửa xó bếp” để thực hiện đam mê của mình đã khẳng định vị thế của người phụ nữ trong thời đại mới sẽ đóng góp nhiều cho việc phát triển nông nghiệp địa phương, mang lại giá trị cho xã hội.

Bằng những cống hiến mang tính ứng dụng cao, thiết thực trong suốt hơn 15 năm qua, “nhà khoa học chân đất” – Lê Kim Tha nhận được Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2001 - 2005. Năm 2011, cô Kim Tha được tôn vinh là “Nông dân điển hình - tiên tiến - sáng tạo”; được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp - thi đua dân vận khéo năm 2017.

Ngoài việc là người lai tạo giống lúa duy nhất của tỉnh Đồng Tháp, cô Tha cũng là người phụ nữ duy nhất đạt giải Nhất cá nhân tại Hội thi nông dân sản xuất lúa giỏi ĐBSCL năm 2008, do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức, là 1 trong 3 thành viên nữ hiếm hoi của Tổ nghiên cứu lai - chọn - tạo giống lúa của ĐBSCL.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn