Lời giải nào cho “bài toán” rác thải thuốc bảo vệ thực vật?
Cập nhật ngày: 10/05/2018 06:34:05
ĐTO - Bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã qua sử dụng là mối nguy hại lớn đối với môi trường, sức khỏe con người. Ngành chức năng và nhiều nông dân (ND) ở Đồng Tháp quan tâm nhiều hơn đến việc thu gom rác thải thuốc BVTV. Song, vấn đề đặt ra là làm sao có giải pháp xử lý rác thải thuốc BVTV đúng cách, kịp thời, tránh tình trạng tồn đọng.
Một số nông dân có ý thức bỏ rác thải thuốc bảo vệ thực vật vào hố rác (do Hội Nông dân xây dựng)
Hiểm họa với môi trường, sức khỏe con người
Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Trồng trọt và BVTV (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Đồng Tháp có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn với diện tích gieo trồng hàng năm hơn 594.500ha, trong đó trồng lúa khoảng 526.000ha, trên 39.400ha trồng rau màu và 29.100ha là cây ăn trái. Do vậy, nhu cầu sử dụng thuốc BVTV của bà con ND là rất lớn. Chỉ tính riêng năm 2017, tổng khối lượng thuốc BVTV mà ND tỉnh Đồng Tháp đã sử dụng là gần 11.000 tấn.
Tuy khối lượng thuốc BVTV tiêu thụ “khủng” như thế nhưng dường như khâu thu gom và xử lý đúng cách bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV chưa được quan tâm đúng mức. Đây là hiểm họa với môi trường và sức khỏe con người.
Ở nhiều nơi, ý thức bảo vệ môi trường của ND còn hạn chế. Sau khi sử dụng thuốc BVTV, nhiều ND vứt vỏ chai, bao bì ngay tại đồng ruộng, dưới mương nước, ao hồ. Một số người có ý thức hơn thì thu gom rác thuốc BVTV mang về nhà, xử lý bằng cách thiêu hủy cùng với rác thải sinh hoạt hoặc chôn lấp. Điều này vẫn gây tác hại không nhỏ đến môi trường cũng như sức khỏe con người; ảnh hưởng đến việc thực hiện tiêu chí 17 (môi trường) trong xây dựng nông thôn mới.
Với 1,8ha đất trồng quýt, trung bình mỗi năm, ông Nguyễn Văn Trân ở ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước (huyện Lai Vung) tốn trên dưới 150 triệu đồng tiền mua thuốc BVTV và dĩ nhiên rác thải BVTV là không ít. Ông Trân chia sẻ: “Làm vườn sử dụng nhiều thuốc BVTV hơn làm lúa. Để hạn chế gây ô nhiễm môi trường, tôi đặt thùng phuy ngoài vườn, bỏ hết bao bì thuốc vào đó rồi đốt, chứ đâu còn cách nào khác”. Còn ông Trương Văn Đém ngụ xã Thường Phước 2 (huyện Hồng Ngự) nói: “Sau khi xịt thuốc lúa, tôi thường quăng bao bì, vỏ chai xuống kênh. Biết làm vậy sẽ gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn phải làm vì không có chỗ để rác”.
Chúng ta không thể phủ nhận vai trò quan trọng của thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp. Nó giúp đẩy lùi tác hại của sâu, bệnh, cỏ dại và các sinh vật gây hại đối với cây trồng và nông sản... Tuy nhiên, có không ít người do chạy theo lợi nhuận, sử dụng không hợp lý thuốc BVTV, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Huỳnh Trung Phượng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Mặc dù ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn... nhưng nhìn chung bà con ND vẫn còn lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp. Một bộ phận ND chỉ quan tâm lợi nhuận trước mắt là làm sao để nông sản có năng suất cao và mẫu mã đẹp mà chưa quan tâm đến sản xuất sạch, sự ảnh hưởng của thuốc BVTV đối với sức khỏe, môi trường”.
Thu gom rồi lại chờ xử lý
Từ 2012 đến nay, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Syngenta phối hợp với ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp thực hiện chương trình “Cùng ND bảo vệ môi trường” để tập huấn cho ND các giải pháp kỹ thuật canh tác lúa; tổ chức thu gom, xử lý rác thải thuốc BVTV... Hàng năm, chương trình này thu gom một phần rác thải BVTV, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn, tháng 10/2017, Công ty Syngenta và ND một số huyện thu gom, xử lý được gần 10 tấn vỏ chai, bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng. Năm nay, chương trình “Cùng ND bảo vệ môi trường” tiếp tục tập huấn kỹ thuật canh tác lúa, tuyên truyền vệ sinh môi trường cho ND; xây dựng 18 hố chứa rác BVTV và đã thu gom, xử lý khoảng 2.450kg rác thải BVTV.
Hội ND tỉnh cũng tham gia quyết liệt trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân bảo vệ môi trường. Từ năm 2014 đến nay, từ chương trình “Thu gom rác thải BVTV”, Hội ND tỉnh hỗ trợ xây dựng trên 500 hố rác, ở địa bàn từ 1 - 2 xã của 12/12 huyện, thị, thành trong tỉnh. Ông Nguyễn Minh Tiến - Chủ tịch Hội ND xã Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh) cho biết: “Nhờ tích cực làm công tác tuyên truyền nên nhiều ND trong xã có ý thức bỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng vào hố rác do Hội ND xây dựng. Nhu cầu của ND xã về những hố rác như thế còn nhiều nhưng thiếu kinh phí nên chưa thể xây dựng thêm”. Chú Nguyễn Văn Ngôn (SN 1954) ở ấp 4, xã Gáo Giồng phấn khởi nói: “Tôi làm 2,5ha lúa. Từ khi có hố rác, sau khi xịt thuốc BVTV là tôi mang bao bì bỏ vào đó. Tôi cũng tuyên truyền, vận động mọi người không bỏ rác BVTV bừa bãi vì nó ảnh hưởng sức khỏe con người”.
Qua thống kê của Hội ND tỉnh, chỉ tính lượng bao bì, chai lọ thuốc BVTV qua sử dụng thu gom đợt 2 năm 2017 là trên 13.500kg. Hiện, Hội ND đã thu gom khoảng 8.000kg rác thải BVTV, dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ không dưới 15.000kg. Bà Trần Thị Hâu - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh cho hay: Hội ND có nhiều cố gắng trong truyên truyền, vận động ND thu gom rác BVTV và dần làm chuyển biến nhận thức, hành động của bà con. Nhưng vấn đề khó nhất hiện nay là khâu xử lý đúng cách rác thải BVTV. Bà con thu gom rác nhưng ngành chức năng có khi chậm xử lý, xảy ra tình trạng tồn đọng rác thải BVTV, gây bức xúc trong Nhân dân.
Một ngày gần cuối tháng 4/2018, chúng tôi đến tuyến dân cư ấp An Hòa, xã An Hiệp (huyện Châu Thành). Ngay dưới chân cổng chào ấp An Hòa là hàng chục bao chứa đầy rác thải thuốc BVTV. “Giữa năm 2017, ngành chuyên môn giúp địa phương xử lý 1.447kg rác BVTV. Hiện, lượng rác BVTV đã thu gom còn tồn đọng khoảng 1.400kg. Gần 2 tháng nay, các bao chứa rác BVTV được tập kết tạm tại khu đất công ở tuyến dân cư An Hòa. Chúng tôi đã báo cáo, kiến nghị cấp trên nhưng vẫn chưa được xử lý” - Ông Lê Văn Thanh - Chủ tịch Hội ND xã An Hiệp cho hay. Không chỉ An Hiệp mà một số địa phương khác cũng xảy ra tình trạng tồn động rác thải BVTV. Ông Nguyễn Thanh Dẫn (SN 1962) ngụ ấp An Hòa, xã An Hiệp chia sẻ: “Tôi trồng 3.000m2 chanh. Trước đây, tôi thường đốt và chôn lấp rác BVTV. Biết vậy là không đúng nên sau này, tôi để vào hố rác. Chúng tôi bỏ đầy hố rác mà vẫn không thấy ai đến mang đi xử lý đúng cách, không lẽ mang ra đốt nữa?”.
Những bao chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật còn tồn đọng ở xã An Hiệp (ảnh chụp ngày 19/4/2018)
Làm sao giảm rác thải thuốc bảo vệ thực vật?
Theo ông Nguyễn Út Nhỏ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Tháp, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), bao bì, chai lọ thuốc BVTV qua sử dụng thuộc chất thải nguy hại, cần xử lý nghiêm ngặt. Cả miền Nam, số lượng doanh nghiệp được phép xử lý loại rác thải này rất ít. Trong khi lợi nhuận từ dịch vụ xử lý rác thải BVTV có khi không cao nên doanh nghiệp chưa “mặn mà” tham gia đấu thầu. Ngoài ra, từ lúc làm thủ tục đề nghị, dự trù kinh phí, tổ chức đấu thầu... đến khi xuống các địa phương thu gom rác để mang về nhà máy xử lý mất thời gian 4 - 5 tháng. Do vậy, lượng rác tăng hơn so với thống kê trước đó, gây tồn đọng. Năm nay, Sở TN&MT lập kế hoạch, dự trù kinh phí xử lý rác sớm và đề nghị chỉ định thầu nhằm tiết kiệm thời gian, xử lý rác nhanh hơn.
Thông qua một số chương trình của các công ty sản xuất thuốc BVTV và Hội ND các cấp, một lượng rác thải BVTV được thu gom, xử lý đúng cách. Nhưng theo ông Huỳnh Trung Phượng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, việc thu gom, xử lý bao bì, vỏ chai thuốc BVTV chỉ giải quyết được phần ngọn, giải quyết vấn đề trước mắt. Còn về lâu dài, ngành chức năng phải tích cực tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật... làm sao để bà con ND giảm lượng thuốc BVTV sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Như vậy, vừa giảm chi phí đầu tư, vừa bảo vệ sức khỏe, môi trường sống.
Để giảm rác thải BVTV thì phải giảm lượng thuốc BVTV sử dụng. Ngành chuyên môn nên đẩy mạnh thực hiện các mô hình ứng dụng thuốc sinh học trong phòng trừ dịch hại trên cây trồng, thay thế một phần thuốc hóa học. Đồng thời, tiếp tục phát triển mô hình “Cùng ND bảo vệ môi trường” kết hợp chương trình “Quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái”. Ngoài ND, đối tượng cần tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường khi sử dụng thuốc BVTV là thành viên của các tổ phun xịt thuê thuốc BVTV.
Năm 2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 với mục tiêu thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên toàn tỉnh đạt 80% đến năm 2020 và phấn đấu đạt 100% đến năm 2025. Theo Kế hoạch 161-KH/UBND ngày 7/6/2017 của UBND tỉnh về lộ trình xử lý, giải quyết các vấn đề môi trường giai đoạn 2017 - 2020 thì việc thu gom, xử lý rác thải BVTV càng gấp rút hơn. Cụ thể, đảm bảo tỷ lệ thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên toàn tỉnh đạt ít nhất 80% vào năm 2018, đạt 100% vào năm 2020, đồng thời được thu gom, vận chuyển, xử lý đúng quy định.
Các con số lý tưởng 80%, 100% ở trên chỉ là mục tiêu của kế hoạch. Việc quan trọng hơn hết là UBND các cấp, các ngành chức năng cần có những giải pháp hữu hiệu, thật sự quyết tâm với nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải BVTV. Qua đó, hạn chế ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe của chính chúng ta.
Ông Huỳnh Trung Phượng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh: việc thu gom, xử lý bao bì, vỏ chai thuốc BVTV chỉ giải quyết được phần ngọn... |
HÒA HIỆP