Đẩy mạnh phát triển và xây dựng các chuỗi ngành hàng chủ lực
Cập nhật ngày: 25/08/2022 10:35:40
ĐTO - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hoa kiểng là một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh duy trì tăng trưởng GRDP nông, lâm, thủy sản bình quân 3,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,6 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 3%; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động giảm xuống còn dưới 40% trong tổng số lao động xã hội. Hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có kỹ năng sản xuất và quản lý, tăng tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt 20%.
Bên cạnh đó, thành lập mới ít nhất 35 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Nâng cao năng lực cho HTX nông nghiệp, 100% cán bộ HTX nông nghiệp được đào tạo các kỹ năng lập kế hoạch, quản trị, tiếp cận thị trường; phát huy mô hình hội quán; thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Phấn đấu 80% thủ tục hành chính thuộc ngành nông nghiệp quản lý đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức 4; 50% cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo các cấp quản lý (tỉnh, huyện, xã) được số hóa. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số áp dụng từ cấp tỉnh, huyện, xã giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số đảm bảo điều kiện tích hợp được vào hệ thống dữ liệu của tỉnh và bộ, ngành Trung ương. Trên 60% nông dân biết ứng dụng công nghệ Internet vạn vật vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng internet, mua bán trực tuyến; 100% sản phẩm thuộc Chương trình OCOP có mặt trên các sàn thương mại điện tử.
Đến năm 2025, có ít nhất 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó, có 30% xã nông thôn mới đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% xã NTM nâng cao đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện NTM và 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao; có 98% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch. Phát triển “nền nông nghiệp xanh”, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn. Từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, áp dụng triệt để tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong sản xuất lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra và sen; đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi; tỷ lệ diện tích vùng trồng tập trung được cấp mã số theo quy định đạt 100%.
Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP nông - lâm - thủy sản là 3,5 - 3,8%/năm. Giá trị sản xuất đất trồng trọt đạt 183 triệu đồng/ha, giá trị sản xuất đất nuôi trồng thủy sản đạt 3.204 triệu đồng/ha. Đồng thời phát triển đồng bộ các vùng chuyên canh nông nghiệp với các cụm công nghiệp - dịch vụ trung tâm có kết cấu hạ tầng hiện đại; hoàn thiện kinh tế hợp tác, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp, hiệp hội và liên kết dọc theo ngành hàng, kết nối giữa sản xuất - chế biến - kinh doanh. Thành lập HTX nông nghiệp mới theo chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế tập thể tỉnh đề ra, phát triển và nâng chất hoạt động các mô hình hội quán, tổ hợp tác.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp là mục tiêu được tỉnh đề ra trong gian đoạn này. Phấn đấu 100% thủ tục hành chính thuộc ngành nông nghiệp quản lý đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức 4; 80% cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo các cấp quản lý (tỉnh, huyện, xã) được số hóa. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số đồng bộ áp dụng từ cấp tỉnh, huyện, xã giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số đảm bảo điều kiện tích hợp được vào hệ thống dữ liệu của tỉnh và bộ, ngành Trung ương. Trên 80% nông dân biết ứng dụng công nghệ internet vạn vật vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng internet, mua bán trực tuyến trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Mặt khác, tạo bước đột phá trong khởi nghiệp và phát triển đội ngũ doanh nhân nông thôn; phát triển kinh tế dịch vụ, thương mại, du lịch nông thôn để thu hút lao động nông thôn, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp. Hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, có 100% đơn vị huyện hoàn thành hoặc đạt chuẩn NTM, 100% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 50% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% xã đạt NTM kiểu mẫu. Bên cạnh đó, bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường; thúc đẩy phát triển nền “nông nghiệp xanh”; cải thiện căn bản năng lực phòng chống thiên tai, dịch bệnh; nâng cao năng lực quản lý rủi ro để sẵn sàng ứng phó với các tác động xấu của biến đổi khí hậu...
Y DU