Chế biến sâu - giải pháp phát triển giá trị sản phẩm ngành hàng sen
Cập nhật ngày: 30/08/2022 17:31:17
ĐTO - Ngày 30/8, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo khoa học chủ đề “Chế biến sâu - giải pháp phát triển giá trị sản phẩm ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp”. Tham gia hội thảo có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân trồng sen trên địa bàn tỉnh.
Nông dân xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười thu hoạch gương sen
Sen là biểu tượng đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp và là 1 trong 6 ngành hàng chủ lực được tỉnh chọn tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Do đó, cùng với việc nâng cao hình ảnh sen, những năm qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực để “nâng tầm” giá trị cho cây sen, tuy nhiên hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm ngành hàng sen của tỉnh vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, trong đó sự hạn chế về mặt công nghệ, quy mô, chất lượng; sự liên kết không bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân dẫn đến hiệu quả kinh tế ngành hàng sen mang lại chưa như mong đợi. Về mặt sản phẩm, hiện sen chỉ được khai thác ở khía cạnh thực phẩm, trong khi các lĩnh vực như: dược phẩm, mỹ phẩm, du lịch mang lại giá trị rất lớn nhưng chưa được doanh nghiệp khai thác hiệu quả…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (bên phải) phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cây sen không chỉ dừng lại ở giá trị kinh tế mà rộng hơn, sâu hơn các giá trị về văn hóa, cảm xúc, giá trị vô hình để làm nền cho các giá trị hữu hình (giá trị kinh tế). Nếu nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân biết viết tiếp “giấc mơ sen” một cách sâu hơn, biết khai thác các giá trị hữu hình về văn hóa, cảm xúc của sen thì sẽ tạo ra giá trị khác cho ngành hàng sen.
“Tôi biết mỗi người dân Đồng Tháp đều có một tình yêu đặc biệt đối với sen, nhưng để biến “giấc mơ sen” thành hiện thực thì chúng ta hãy yêu say mê hơn nữa, vì khi có tình yêu thật sự chúng ta sẽ có cách xây dựng, tạo ra giá trị mới cho sen, khi đó, câu chuyện về sen sẽ nghĩ theo một hướng cao hơn, đó là chúng ta bán sen là bán giá trị tinh thần chứ không đơn thuần là bán sản phẩm” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ.
Sản phẩm sen tươi được bày bán tại Lễ hội Sen Đồng Tháp năm 2022
Tiếp nối “giấc mơ sen” do Bộ trưởng gợi mở, tại hội thảo nhiều giải pháp nâng cao giá trị ngành hàng sen được đề xuất như: các giải pháp định hướng nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm chế biến từ cây sen ứng dụng trong lĩnh vực y tế, điều trị ngoại khoa; định hướng nghiên cứu, chiết suất tinh chất từ sen và ứng dụng trong ngành mỹ phẩm;... Các cập nhật xu hướng chế biến thực phẩm của thế giới cũng gợi mở thêm hướng đi cho việc phát triển sản phẩm sen của tỉnh…
Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng cùng hiệu quả kinh tế, những năm qua, diện tích và sản lượng cây sen ở Đồng Tháp không ngừng tăng lên. Hiện toàn tỉnh có 1.252ha, sản lượng 1.088 tấn, (tập trung tại các huyện: Tháp Mười, Tam Nông, Cao Lãnh, Tân Hồng, Lấp Vò). Cây sen ở Đồng Tháp không chỉ được trồng để bán gương, ngó, giờ đây còn được đa dạng hóa với những sản phẩm từ tinh dầu sen, tơ sen...
|
MN