Phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững
Cập nhật ngày: 15/09/2022 11:45:07
ĐTO - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch Phát triển ngành hàng lúa gạo tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 với mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, làm nòng cốt cho đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia; nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng.
Sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười). Ảnh: Y.DU
Theo đó, kế hoạch đề ra một số chỉ tiêu cụ thể, phấn đấu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng các loại cây ăn trái, cây hàng năm khác có giá trị kinh tế cao để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho hộ sản xuất nhưng vẫn đảm bảo đến năm 2025 diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh tối thiểu là 470.940ha, năng suất đạt trên 3 triệu tấn.
Đồng thời phấn đấu diện tích sản xuất lúa hữu cơ đến năm 2025 đạt 600ha; có trên 42.000ha lúa được cấp mã số vùng trồng; phát triển vùng sản xuất tập trung theo hướng ứng dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành, cơ giới hóa, quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ thông minh gắn truy xuất nguồn gốc và chuỗi giá trị trên cây lúa.
Song song đó, xây dựng và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số áp dụng đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã (phát triển phần mềm, ứng dụng thiết bị thông minh) giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số, đảm bảo điều kiện tích hợp được vào hệ thống dữ liệu của tỉnh và bộ, ngành Trung ương. Đồng thời tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua giảm chi phí phân, thuốc, giống; nâng cao chất lượng gạo, tăng diện tích giống xác nhận, giống chất lượng cao, lúa thơm đặc sản. Phấn đấu nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa từ 35 - 40%, giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa từ 30% trở lên.
Ngoài ra, tập trung tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất, chuyển dần từ gieo sạ bằng công cụ sang sử dụng máy cấy lúa, đưa mức độ cơ giới hóa khâu gieo, cấy bằng máy đạt 15% diện tích; tối thiểu 20% diện tích gieo trồng lúa của toàn tỉnh sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật; phấn đấu diện tích liên kết sản xuất lúa giống đạt trên 5.000ha/năm.
Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành hàng lúa gạo. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh tổ chức sản xuất, đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, kết nối giao thông nội đồng và hệ thống giao thông liên vùng trong tỉnh. Định hướng cơ cấu giống, xây dựng cơ cấu giống lúa phù hợp cho từng vùng và tiểu vùng sinh thái đảm bảo phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận, giống lúa chất lượng cao, lúa thơm đặc sản. khuyến cáo người nông dân áp dụng rộng rãi quy trình sản xuất lúa tiên tiến, bền vững (IPM, 3G3T, 1P5G, SRP...), quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và tương đương, canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất lúa hữu cơ... kết hợp truy xuất nguồn gốc, thu hoạch đúng thời điểm...
Bên cạnh đó, tỉnh còn đề ra giải pháp đổi mới mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ, xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất lúa giống cho các hợp tác xã, tổ hợp tác có đủ năng lực sản xuất; xây dựng một mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn gắn truy xuất nguồn gốc, quy mô 10 - 20ha/mô hình. Nhân rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ trên những vùng đã hoặc sẽ chuyển sang canh tác 2 vụ lúa/năm; nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, đầu tư cung cấp vật tư đầu vào và tiêu thụ lúa gạo nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo. Hướng đến sự phát triển bền vững, tỉnh phát triển kinh tế tập thể, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Đồng thời quan tâm chế biến, bảo quản sau thu hoạch, khai thác tiềm năng chế biến sâu lúa gạo để tăng thêm hiệu quả của chuỗi giá trị; đề xuất, áp dụng các chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp để đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ, hình thành các cụm chế biến công nghệ cao liên kết với vùng nguyên liệu để tăng hiệu quả kết nối chặt chẽ từ sản xuất đến chế biến và thị trường. Song song đó, tiếp tục phát triển thêm 15 sản phẩm OCOP tiềm năng gạo, chế biến từ gạo đạt 3 sao trở lên; ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, bảo quản và chế biến tiên tiến để giảm thất thoát và đảm bảo chất lượng, hương vị gạo...
Y DU