Dự báo tình hình sâu bệnh trên lúa
Cập nhật ngày: 08/07/2013 04:25:08
Theo nhận định của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, hiện nay thời tiết đang diễn biến phức tạp là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh trên lúa phát triển như bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá, rầy nâu... Vì vậy, các địa phương và bà con nông dân cần thực hiện phương châm phòng bệnh là chính, bằng việc tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh, xử lý kịp thời không để lây lan trên diện rộng.
Nông dân chủ động chăm sóc lúa thu đông
Thực tế cho thấy, bệnh đạo ôn đã phát sinh trên mạ ở vụ thu đông sớm, trong đó chủ yếu trên lúa giai đoạn đẻ nhánh. Theo điều tra của Chi cục BVTV, đến đầu tháng 7, toàn tỉnh có hơn 4.400ha lúa bị nhiễm đạo ôn, các vết bệnh chủ yếu là vết cắt có khả năng lây nhiễm rất cao nếu không được phòng trừ kịp thời. Dự báo, bệnh đạo ôn hại lúa sẽ phát sinh và gây hại nặng trên diện rộng giai đoạn đẻ nhánh - đòng trỗ, trong đó những ruộng gieo trồng giống nhiễm, sạ dày, bón thừa phân đạm có nguy cơ nhiễm nặng.
Ngoài bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá cũng đang phát triển và gây hại trên lúa, tính đến nay toàn tỉnh đã có 2.094ha diện tích nhiễm rầy nâu, dự báo nếu không có biện pháp xử lý kịp thời rầy nâu sẽ tiếp tục phát triển và gây hại trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ và lây lan trên diện rộng. Bên cạnh đó, một số đối tượng khác như sâu cuốn lá, chuột, bù lạch, bệnh cháy bìa lá... cũng xuất hiện và gây hại trên lúa.
Để chủ động phòng, trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại trên lúa thu đông, các địa phương cần triển khai các biện pháp tổng hợp từ khâu chăm sóc, phát hiện và phòng trừ sớm sâu bệnh. Trong đó, đối với lúa dưới 20 ngày tuổi, cần theo dõi tình hình rầy di trú, kịp thời che chắn nước để hạn chế rầy chích hút, đẻ trứng và truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá; kiểm tra kỹ ruộng lúa khi rầy cám nở rộ tập trung ở tuổi 2-3, mật số hơn 3con/tép, xử lý tốt bằng thuốc chống lột xác, lưu ý không phun thuốc trừ sâu cho lúa dưới 40 ngày tuổi, nhằm bảo tồn thiên địch, hạn chế bộc phát dịch hại ở giai đoạn sau.
Đối với những diện tích còn lại chuẩn bị xuống giống, sau khi đã thu hoạch lúa hè thu cần vệ sinh thật kỹ lúa rài, lúa chét và cỏ dại xung quanh bờ ruộng, cày xới và phải đảm bảo thời gian cách ly. Đặc biệt, những vùng xuống giống lúa thu đông không đảm bảo thời gian cách ly có thể phun nấm Trichoderma để xử lý rơm rạ, bón vôi, bơm nước rửa đất nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy vào đèn để xuống giống "né rầy" hiệu quả.
Thảo Vy