Nông sản bị ép giá qua nhiều tầng nấc

Cập nhật ngày: 21/06/2013 06:20:59

Hiện nay, dù heo, gà, lúa... đang rớt giá mạnh nhưng trên thị trường người tiêu dùng vẫn phải mua thực phẩm với giá rất cao, có khi giá đội lên gấp đôi, gấp ba so với giá gốc mà người nông dân bán ra.

Nông dân thua thiệt

Hơn 4 tháng nay, ông Phạm Văn Quý (xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười) cứ thấp thỏm vì giá heo cứ rớt theo từng ngày. Đến thời điểm này, sau hơn 5 tháng nuôi, đàn heo 40 con của gia đình ông đã quá lứa xuất bán nhưng không có thương lái đến mua, giá heo chỉ còn 35 - 37 ngàn đồng/kg (tương đương 3,5 - 3,7 triệu đồng/tạ heo (100kg), thấp hơn 1 - 1,5 triệu đồng/tạ so với thời điểm đầu năm 2012). Theo tính toán của ông Quý, với giá này sau khi trừ chi phí ông cầm chắc lỗ từ 500 - 800 ngàn đồng/tạ.


Từ vườn ra chợ, trái cây đã bị “thổi giá” cao gấp nhiều lần

Trái ngược với cảnh rớt giá tại các hộ nuôi, thịt heo tại chợ vẫn bán với giá rất cao. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi thu mua tại các hộ nuôi, heo được thương lái tập trung chuyển đến điểm giết mổ với giá tăng thêm khoảng 5.000 đồng/kg. Trên đường đến tay người tiêu dùng, giá hàng hóa lại tiếp tục đội thêm vì phải trải qua rất nhiều công đoạn: thương lái tiếp tục bán cho lò mổ, các lò mổ sau khi hoàn tất các công đoạn giết mổ sẽ bán lại cho chợ đầu mối. Từ đây, thịt heo phân phối đến tiểu thương bán lẻ. Qua các khâu trung gian như vậy, giá thịt heo đã bị tăng thêm từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.

Tương tự, giá các loại thực phẩm khác như thịt gà, thịt vịt cũng bị đẩy giá lên cao khi đến điểm bán lẻ, điều này khiến người tiêu dùng và người chăn nuôi đều chịu thiệt. Chẳng hạn, hiện nay gà nòi tại trại được bán từ 60 - 70 ngàn đồng/kg. Nhưng sau khi qua nhiều cấp trung gian, gà thịt nguyên con đến tay người tiêu dùng tại các chợ có giá từ 90 - 120 ngàn đồng/kg; giá gà sau mổ như đùi 100.000 đồng/kg, cánh gà 150.000 đồng/kg... cao gần gấp đôi so với giá bán ra của người chăn nuôi.

Thương lái kiếm siêu lợi nhuận

Không chỉ các sản phẩm vật nuôi bị “thổi” giá qua các khâu trung gian mà lúa, gạo cũng đang trong tình trạng tương tự. Người nông dân trồng lúa trong tỉnh hiện cũng đang điêu đứng vì giá lúa sụt giảm. Hiện nay, sau khi chính sách thu mua tạm trữ được triển khai thu mua được 1 tuần, giá lúa tại ruộng đã nhích lên khoảng 100 - 200 đồng/kg. Tuy nhiên, với giá này người dân vẫn lao đao vì chưa bù lại giá thành. Trong khi đó, trên thị trường lúa xay xát thành gạo được bán với giá khá cao.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngày 19/6, thương lái thu mua lúa tươi ở Tân Hồng với giá 3.800 - 4.900 đồng/kg (tùy loại). Sau khi mua lúa tại ruộng thương lái đã chuyển lên các vựa lúa tại Cầu Xéo (Tiền Giang) xay xát thành gạo bán cho nhà máy với giá từ 9.300 - 9.400 đồng/kg (gạo hạt dài). Từ vựa gạo về các chợ, giá gạo đã tăng vọt thêm 2.000 - 5.000 đồng/kg, lên mức 11.500 - 14.000 đồng/kg. Tăng nhiều so với giá người nông dân bán ra.

Cùng với lúa, nhưng mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao khác như xoài, quýt, nhãn... hàng năm vẫn được Đồng Tháp cung cấp một số lượng lớn cho thị trường, tuy nhiên việc tiêu thụ nông sản trong tỉnh vẫn phụ thuộc vào hệ thống các thương lái. Hiện nay, kể cả các doanh nghiệp thu mua lúa tạm trữ trên địa bàn tỉnh vẫn “khoán trắng” cho thương lái. Và với quyền quyết định “vận mệnh” đầu ra trong tay, các thương lái dễ dàng ép nông dân từ giá đến chất lượng.

Như vậy, dù là người trực tiếp sản xuất ra hàng hóa nhưng người nông dân không thể quyết định giá bán sản phẩm của mình mà luôn bị lệ thuộc vào thương lái, trung gian... Chính sự lòng vòng này đang đẩy giá những mặt hàng nông sản đến tay người tiêu dùng cao bất hợp lý. Thêm vào đó, tận dụng tình trạng dịch bệnh hoành hành trên gia cầm, vật nuôi... thương lái đã ép giá nông sản của người dân xuống mức rất thấp, nghịch lý này đang chứng minh một điều: mùa dịch bệnh, giá lúa giảm chính là dịp để cho hệ thống thương lái kiếm được siêu lợi nhuận...

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn