Ngành nông nghiệp tập trung phòng, chống cúm gia cầm

Cập nhật ngày: 08/03/2023 03:36:19

ĐTO - Ngay sau khi tiếp nhận Công điện khẩn số 01/CĐ-UBND ngày 27/2/2023 của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.


Cán bộ Thú y tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm tại huyện Tam Nông

Theo đó, tập trung công tác tuyên truyền để người dân ý thức, chú ý tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhằm đảm bảo an toàn, không để xảy ra dịch bệnh trên đàn gia cầm và hạn chế tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi được ngành nông nghiệp tỉnh tập trung đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, để công tác phòng dịch đạt hiệu quả cao, từ đầu năm đến nay, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản phối hợp chặt chẽ với các địa phương chủ động thực hiện công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng và vệ sinh chuồng trại. Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản, đến ngày 1/3/2023, đơn vị đã thực hiện tiêm phòng vắc-xin cúm A/H5N1 được gần 59.000 con gà, đạt gần 11% tổng đàn; tiêm phòng gần 1.730.000 con vịt, đạt hơn 40% tổng đàn và 2.246 con vịt xiêm, đạt hơn 58% tổng đàn.

 Ngoài ra, công tác về cấp phát hóa chất vệ sinh, tiêu độc khử trùng được ngành nông nghiệp đẩy mạnh thực hiện. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản đã cấp phát 1.100 lít Benkovet cho người chăn nuôi. Để chủ động trong công tác ứng phó với dịch bệnh, ngành nông nghiệp cũng có văn bản đề nghị các Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng huyện, thành phố yêu cầu UBND các xã, phường, thị trấn chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực để chủ động ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra; chỉ đạo nhân viên thú y cơ sở tăng cường giám sát dịch bệnh, đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đặc biệt, nhằm tăng cường cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, ngăn ngừa việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập lậu quan biên giới, vừa qua, Sở NN&PTNT phối hợp với Chi cục Thú y Vùng 7 (Cục Thú y), tổ chức Đoàn công tác đi khảo sát tại các cửa khẩu và các tuyến biên giới để kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cán bộ kiểm dịch, lực lượng trực ở các chốt biên giới.

Thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp những năm vừa qua, Sở NN&PTNT cho biết, đầu năm 2014, tại Đồng Tháp xuất hiện 1 ca nhiễm cúm tại xã Tân Long, huyện Thanh Bình (trường hợp tử vong là 1 cụ bà 60 tuổi). Tính từ năm 2003 - 2021, trên địa bàn tỉnh đã có 6 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 và tử vong trên người. Riêng năm 2021, xuất hiện ổ dịch cúm trên gia cầm tại 1 hộ chăn nuôi gà tại xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông với tổng số gà mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 30.080 con.

Từ năm 2022 đến nay, Đồng Tháp chưa ghi nhận ổ dịch cúm A/H5N1 trên người và trên gia cầm. Tuy nhiên, vẫn còn xuất hiện sự lưu hành virus cúm gia cầm trong các mẫu giám sát ở các chợ (tỷ lệ lưu hành năm 2020: 5,3%, năm 2021: 0% và đầu năm 2023: ghi nhận sự lưu hành virus trên mẫu gia cầm bán tại chợ thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, 2/24 mẫu).

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn