Nhiều cây trồng mới bén rễ ở vùng biên Tân Hồng
Cập nhật ngày: 08/04/2017 16:51:10
ĐTO - Thanh long ruột đỏ đem lại thu nhập cao cho nông dân huyện Tân HồngLâu nay nhiều người vẫn cho rằng huyện Tân Hồng chỉ thích hợp để canh tác lúa hoặc trồng cỏ chăn nuôi bò. Song, bằng sự nhạy bén của mình, nông dân ở đây đã trồng thử nghiệm nhiều giống mới như cây ăn trái và thảo dược, bước đầu mang lại nguồn thu nhập ổn định, mở ra hướng mới trong canh tác nông nghiệp ở vùng biên.
Thu nhập ổn định nhờ trồng cây ăn trái
Sau hơn 5 năm bén rễ ở vùng đất biên giới Tân Hồng, vườn thanh long ruột đỏ đầu tiên tại đây đã cho thu hoạch những vụ mùa đầu tiên. Với lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác, cây thanh long ruột đỏ đang mang lại nguồn doanh thu ổn định cho gia đình ông Trần Văn Sử (xã Tân Phước, huyện Tân Hồng).
Gia đình có gần 5ha đất canh tác lúa, song với ông Sử việc tìm kiếm loại cây trồng mới để tăng thu nhập vẫn luôn là mơ ước trong ông. Khoảng năm 2011, một lần tình cờ xem truyền hình, ông Sử thấy cây thanh long ruột đỏ có thể chịu được thời tiết nắng nóng, khô hạn và cho lợi nhuận kinh tế cao nên ông Sử mua về trồng trên mảnh vườn của mình. Ông Sử cho biết: “Với nông dân Tân Hồng bao đời chỉ quen làm lúa thì trồng cây ăn trái không phải dễ dàng. Khó khăn từ việc xử lý thanh long ra hoa, rồi tới cho trái đúng yêu cầu của công ty xuất khẩu”. Để học tập kỹ thuật trồng thanh long, ông Sử đã xuống tận các nhà vườn trồng thanh long ở huyện Châu Thành, rồi qua tỉnh Tiền Giang học hỏi kinh nghiệm. Với những nỗ lực của mình, hiện nay vườn thanh long khoảng 1.500m2 của ông Sử bắt đầu thu “quả ngọt”, trung bình mỗi năm có thể thu hoạch 4 tấn trái. Với mức giá từ 15 ngàn - 55 ngàn đồng/kg, một năm gia đình ông Sử lợi nhuận hơn 60 triệu đồng/1.500m2, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa hay những loại cây trồng khác.
Ngoài cây thanh long, hiện nay một số nông dân ở huyện Tân Hồng tiến hành cải tạo vườn tạp và trồng chuyên canh một số giống cây ăn trái. Ổi lê là loại cây trồng được nông dân lựa chọn phổ biến trong thời gian gần đây ở huyện Tân Hồng.
Ông Huỳnh Văn De - nông dân trồng ổi ở xã Tân Phước cho biết: “Mặc dù chỉ mới trồng ổi được 1 năm, song vườn ổi lê nhà tôi đã cho thu hoạch được hơn 3 tháng. Hiện vườn ổi 5.000m2, tôi thu hoạch trung bình khoảng 3 tấn ổi/tháng, giá bán từ 6 ngàn - 7 ngàn đồng/kg, trừ chi phí thì mỗi tháng lãi cũng hơn 10 triệu đồng, so với cây lúa thì trồng ổi cho thu nhập cao và ổn định hơn nhiều”.
Ông Lê Quốc Nam - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phước, huyện Tân Hồng cho biết: “Phần lớn diện tích vườn của địa phương thuộc dạng vườn tạp. Gần đây, một số nông dân mạnh dạn đột phá canh tác những giống cây trồng mới, bước đầu cho lợi nhuận kinh tế ổn định. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho hội viên đi học tập kinh nghiệm để chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả”.
Trồng bồ công anh làm thảo dược
Sau chuyến du lịch từ Pháp về, bà Nguyễn Thị Bích Vân ngụ xã An Phước, huyện Tân Hồng nhận thấy cây bồ công anh là một cây trồng được sử dụng phổ biến trong ẩm thực và ngành dược của các nước tiên tiến ở Châu Âu. Sau khi về Việt Nam năm 2014, bà Vân đã bắt đầu nghiên cứu và trồng thử nghiệm loại cây này tại đất Tân Hồng.
Do thời gian đầu chưa nắm được tập tính sinh trưởng của loại cây trồng mới mẻ này nên bà Vân bị mất một khoản vốn khá lớn do thời tiết nắng nóng làm cây chết. Song, bà Vân vẫn không bỏ cuộc mà tìm đến sự giúp đỡ của Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp Công nghệ cao Đồng Tháp để thực hiện quá trình nuôi cấy mô và nhân giống. Và sau gần 2 năm cố gắng chăm sóc, vườn bồ công anh của bà Vân đã cho thu hoạch.
Hiện tại, bà Vân đang liên kết với một số đối tác ở TP.Hồ Chí Minh để sản xuất trà bồ công anh. Theo bà Vân, bồ công anh là loại cây trồng còn khá mới mẻ ở Đồng Tháp, song với nhiều nước tiên tiến loại cây trồng này rất được ưa chuộng và trồng phổ biến. Để đáp ứng nhu cầu của đối tác, hiện nay ngoài vườn bồ công anh ở Tân Hồng, bà Vân còn liên kết với nông dân ở tỉnh Lâm Đồng và Long An để nhân rộng diện tích nhằm phục vụ cho việc sản xuất trà.
Mỹ Lý