Nông nghiệp hữu cơ - Hướng đi bền vững cho nông dân Đồng Tháp
Cập nhật ngày: 10/09/2024 14:10:26
ĐTO - Trong bối cảnh nền nông nghiệp truyền thống đang đối mặt với nhiều thách thức từ ô nhiễm môi trường đến biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ được xem là một trong những giải pháp sản xuất bền vững cho nông dân tỉnh nhà. Với những lợi ích mang lại về môi trường, sức khỏe và kinh tế, nông nghiệp hữu cơ vừa giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên vừa mở ra cơ hội phát triển mới cho người dân.
ThS. Nguyễn Ngọc Thiều - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trình bày tại Hội nghị chuyên đề “Hiệu quả từ các mô hình nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Đồng Tháp” tại huyện Tháp Mười
Cơ hội kinh tế mới cho nông dân
Nông nghiệp hữu cơ là phương pháp canh tác không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu tổng hợp và các giống cây biến đổi gen nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Một trong những ưu điểm nổi bật của nông nghiệp hữu cơ là khả năng cải thiện chất lượng đất và nước.
Tại Đồng Tháp, đất canh tác chủ yếu là đất phù sa và đất bãi bồi, việc sử dụng phân bón hữu cơ và các phương pháp canh tác bền vững giúp tăng cường độ màu mỡ của đất, làm giảm xói mòn và cải thiện khả năng giữ nước. Điều này không chỉ bảo vệ tài nguyên đất mà còn giúp giảm thiểu sự ô nhiễm nguồn nước. Mặt khác, nền nông nghiệp hữu cơ khuyến khích sự phát triển của các loài sinh vật có lợi, thúc đẩy sự cân bằng sinh thái, bảo vệ các loài thực vật và động vật bản địa; giúp duy trì hệ sinh thái nông nghiệp bền vững và ổn định hơn, mang lại lợi ích về môi trường và sức khỏe, tạo ra cơ hội kinh tế mới cho nông dân Đồng Tháp.
Từ những giá trị ưu việt của nông nghiệp hữu cơ mang lại trong bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng đến việc tạo ra cơ hội kinh tế mới và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, việc triển khai hệ thống chứng nhận hữu cơ trở thành yếu tố then chốt trong việc đảm bảo tính chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm.
Đặc biệt, Đồng Tháp được xem là địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ, việc áp dụng chứng nhận hữu cơ không chỉ giúp nông dân đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế mà còn mở ra cơ hội trong việc tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm.
Tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam được quy định bởi các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chứng nhận uy tín. Chứng nhận hữu cơ giúp xác nhận các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu về phương pháp canh tác bền vững, bảo đảm tính minh bạch và đáng tin cậy trên thị trường. Quy trình chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam được quy định chặt chẽ, từ việc đăng ký, kiểm tra, giám sát đến việc cấp giấy chứng nhận nhằm đảm bảo các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất. Những tiêu chuẩn này đảm bảo sản phẩm nông nghiệp đạt yêu cầu về chất lượng và tính hữu cơ, đồng thời bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường.
Kỹ sư Bùi Thị Ngọc Liễu - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trình bày tại Hội nghị chuyên đề “Hiệu quả từ các mô hình nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Đồng Tháp” tại huyện Tam Nông
Tiêu chuẩn Quốc gia về nông nghiệp hữu cơ được quy định trong TCVN 11041:2017 - “Nông nghiệp hữu cơ - Quy trình sản xuất và chế biến sản phẩm nông sản hữu cơ”. Tiêu chuẩn này bao gồm các yêu cầu về canh tác, xử lý, chế biến và ghi nhãn sản phẩm hữu cơ.
Ngoài Tiêu chuẩn Quốc gia, Việt Nam còn áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ như tiêu chuẩn của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Quốc tế (IFOAM) và tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ (USDA Organic). Các tiêu chuẩn quốc tế này thường được yêu cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu.
Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên
Để khẳng định và đảm bảo chất lượng của các sản phẩm hữu cơ, Hệ thống chứng nhận PGS (Participatory Guarantee System) đã được triển khai, cho phép cộng đồng địa phương tham gia vào quá trình chứng nhận, đặc biệt phù hợp với các nông hộ nhỏ lẻ. Hệ thống này tạo ra sự tin cậy cho người tiêu dùng, giúp giảm chi phí và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm hữu cơ.
Trong những năm qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp) phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp tổ chức nhiều hội nghị phổ biến kiến thức về vai trò của phân hữu cơ đối với cây trồng tại các huyện: Hồng Ngự, Lấp Vò, Tháp Mười nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho bà con nông dân.
Infographic về Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp lần thứ 18, năm 2024 - 2025
Hướng tới sự phát triển bền vững nền nông nghiệp tỉnh nhà, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức thành công Hội nghị tuyên truyền chuyên đề “Hiệu quả từ các mô hình nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Đồng Tháp” tại huyện Tam Nông và huyện Tháp Mười nhằm chia sẻ những thành tựu đạt được từ việc áp dụng các mô hình nông nghiệp hữu cơ và chứng nhận PGS, đồng thời thúc đẩy nhân rộng các mô hình này phát triển trong tương lai. Chương trình hội nghị được thiết kế với nội dung phong phú và thiết thực, bao gồm các chủ đề như: lợi ích của nông nghiệp hữu cơ, tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kỹ thuật sản xuất, ủ phân hữu cơ, các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả...
Qua hội nghị, đại biểu tham dự nắm bắt được các thông tin, kiến thức cơ bản về nông nghiệp hữu cơ và cách thức triển khai tuyên truyền hiệu quả. Đồng thời tạo cơ hội để trao đổi kinh nghiệm và thảo luận các vấn đề liên quan đến việc áp dụng nông nghiệp hữu cơ trong thực tiễn...
Với những lợi ích vượt trội về môi trường, sức khỏe và kinh tế, nông nghiệp hữu cơ đang trở thành hướng đi bền vững cho nông dân tỉnh Đồng Tháp. Để hiện thực hóa tiềm năng này cần có sự hỗ trợ từ chính quyền, các tổ chức nghiên cứu và cộng đồng để nâng cao nhận thức và kỹ năng cho nông dân trong việc chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Đồng thời bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hướng đến tương lai của nền nông nghiệp phát triển bền vững và thịnh vượng
Ngọc Liễu