Châu Thành
Phát triển vườn nhãn theo nhu cầu thị trường
Cập nhật ngày: 27/07/2017 10:32:47
ĐTO - Là địa phương có diện tích vườn nhãn lớn nhất tỉnh. Thời gian qua, huyện Châu Thành đã khuyến khích nông dân trồng nhãn theo hướng “sạch” gắn với sản xuất rải vụ để tạo thuận lợi về đầu ra sản phẩm. Từ cách làm này, nhiều nhà vườn trồng nhãn đã nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.
Phần lớn nông dân đang hướng đến mô hình sản xuất nhãn rải vụ
Trồng nhãn rải vụ theo nhu cầu thị trường
Là vùng nhãn lớn nhất tỉnh Đồng Tháp, huyện Châu Thành có khoảng 3.400ha đất canh tác với 3 giống nhãn phổ biến: da bò, xuồng cơm vàng và idor. Bên cạnh việc sản xuất nhãn theo hướng VietGAP để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, nhà vườn huyện Châu Thành còn quan tâm đến sản xuất rải vụ và phát triển trồng nhãn theo hướng sạch gắn với giải quyết đầu ra sản phẩm.
Hợp tác xã (HTX) nhãn Châu Thành được xem là mô hình điểm sản xuất theo hướng này. HTX hiện có 56/107ha nhãn sản xuất theo hướng VietGAP, với sản lượng khoảng 500 - 600 tấn/năm. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, thông qua một doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh, HTX đã xuất khẩu nhãn sang thị trường Mỹ, tạo phấn khởi cho HTX yên tâm sản xuất.
Ông Trương Văn Rồi - Giám đốc HTX nhãn Châu Thành cho biết: “Từ sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, HTX đã vận động xã viên sản xuất theo mô hình VietGAP kết hợp với sản xuất rải vụ trên nhãn nên luôn đảm bảo số lượng ổn định cung cấp cho doanh nghiệp, với giá cả dao động ở mức 30.000 - 45.000 đồng/kg (tùy thời điểm) đảm bảo cho người trồng nhãn có lãi, đặc biệt việc sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu nên người nông dân trồng nhãn rất yên tâm về đầu ra”.
Ông Nguyễn Văn Hùng ngụ xã An Nhơn, huyện Châu Thành sở hữu vườn nhãn rộng 2,6ha chủ yếu là nhãn idor. Những năm qua, việc sản xuất nhãn rải vụ giúp gia đình ông thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Hùng cho biết: “Những năm trước, gia đình cũng sản xuất theo hình thức truyền thống nhưng vào thời điểm thu hoạch rộ, giá xuống thấp, nhiều khi kêu bán họ cũng không lại mua. Mấy năm nay, thấy mấy hộ xung quanh rải vụ cung ứng cho HTX nhãn Châu Thành xuất khẩu thu lợi nhuận cao nên tôi quyết định làm theo, đến nay việc cung ứng sản phẩm cơ bản ổn định, lợi nhuận hàng năm thu được gấp 2,3 lần so với thời gian trước”.
Theo nhiều nhà vườn trồng nhãn Châu Thành, việc nhãn Châu Thành được xuất khẩu không chỉ tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ trái cây tại các điểm vườn cây ăn trái mà nông dân trồng nhãn còn được hưởng lợi do giá cả ổn định.
Tiếp tục phát huy lợi thế
Ông Nguyễn Văn Cường - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, sản xuất nhãn rải vụ đang là cách làm rất hiệu quả, vì có thời gian né vụ vào khoảng tháng 7, tháng 8 là thời điểm thị trường có trái vải thiều, nhãn lồng Hưng Yên, tránh được tình trạng nhãn chín đồng loạt dẫn đến thừa nguồn cung cục bộ. Thời gian gần đây, đầu ra của nhãn tương đối ổn định. Nhãn bắt đầu xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản giúp nhà vườn trồng chuyên canh thu được lợi nhuận khá cao.
Để vùng nhãn phát triển theo hướng bền vững, huyện đang quy hoạch phát triển giống nhãn idor lên 2.000ha trong năm 2020 và mở rộng diện tích nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho nông dân, nhằm cung ứng nhãn cho thị trường xuất khẩu.
Hiện tại, địa phương cũng khuyến cáo nông dân tiếp tục chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng nhãn idor, áp dụng quy trình VietGAP đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời tăng cường sự liên kết giữa HTX, nông dân với doanh nghiệp đầu mối tiêu thụ nông sản; hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp; coi trọng hợp tác kết nối giao thương giữa các trung tâm, các hệ thống siêu thị trong nước nhằm đưa vị ngọt nhãn Châu Thành đến với người tiêu dùng rộng rãi ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Tấn Lực - Bí thư Huyện ủy Châu Thành cho biết, quyết tâm của địa phương là sẽ từng bước nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đưa nhãn trở thành một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh. Ngoài ra, trên cơ sở phát huy tiềm năng ngành hàng nhãn, địa phương cũng đang định hướng kết hợp khai thác phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái với đặc thù sản phẩm nhãn Châu Thành. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thảo Vy