Báo động tình trạng làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô 3 bánh

Cập nhật ngày: 22/04/2016 13:02:22

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (Công an tỉnh Đồng Tháp) phát hiện hàng chục xe môtô ba bánh (xe ba gác) không rõ nguồn gốc, giấy chứng nhận đăng ký và cả giấy phép của người điều khiển (A3) bị làm giả. Chủ phương tiện, người vi phạm thừa nhận mua xe từ Bình Dương, Đồng Nai với giá khoảng 25 - 40 triệu đồng/xe và được “bao giấy tờ”, dù ngành chức năng không cấp đăng ký mới.


Xe ba gác không có giấy tờ rõ ràng bị giữ tại Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (Công an tỉnh Đồng Tháp)

Do có thời gian dài làm thuê cho một chủ cơ sở chuyên bán vật liệu xây dựng nên biết được “nghề” chở hàng thuê bằng xe mô tô 3 bánh (gọi tắt là xe ba gác), sau khi nghỉ làm thuê, anh N.T.T., ngụ thành phố Cao Lãnh quyết định mua một chiếc ba gác để chở thuê cho những người có nhu cầu nhằm mưu sinh qua ngày.

Anh N.T.T. cho biết: “Chiếc xe ba gác của gia đình được mua ở tỉnh Bình Dương với giá 32 triệu đồng (bao chở và giấy tờ) xe này cũng khá tốt. Tính ra xem như đã lấy được vốn, còn lời xác xe nhưng vẫn tiếp tục hoạt động...”. Do là chỗ quen biết với anh N.T.T., chúng tôi đặt vấn đề gần đây có dư luận cho rằng có nhiều xe ba gác được làm giả giấy tờ vì ngành chức năng đã chính thức không cấp đăng ký mới xe ba gác. Anh N.T.T cho biết thêm, cũng nghe thông tin trên. Lúc mua xe, nghe người ta nói bao luôn giấy tờ hợp pháp nên tin tưởng, cũng không biết giấy của xe này là thật hay giả, thôi mình cố gắng chạy đàng hoàng, nhất là nghiêm chỉnh chấp hành Luật giao thông, còn chẳng may cảnh sát giao thông (CSGT) kiểm tra thì trình giấy tờ theo xe, nếu giả thì đành chịu...

Ngày 18/3/2016, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng lực lượng chức năng TP.Cao Lãnh kiểm tra xe ô tô tải biển số 66C 02288 do Lê Trường Giang (SN 1972) ngụ TP.Cao Lãnh điều khiển đang đậu trên đường 30/4, phường 1, TP.Cao Lãnh. Qua kiểm tra, trên xe có phương tiện xe 3 bánh nhưng tài xế không chứng minh được nguồn gốc.

Qua làm việc, Lê Út Hai (SN 1981) ngụ phường 1, TP.Cao Lãnh đứng ra nhận là chủ phương tiện (xe ba gác) đã mua từ Bình Dương với giá từ 25 triệu đồng và vận chuyển từ Bình Dương về Đồng Tháp. Tính đến thời điểm bị phát hiện, Út Hai đã mua 3 phương tiện về bán lại cho những người dân có nhu cầu trên địa bàn tỉnh.

Theo Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 4/2/2008 của Chính phủ “không cấp phép mới cho lưu hành thêm các loại xe 3 bánh”. Trước thời điểm này, tại Đồng Tháp có gần 1.000 phương tiện được cấp chứng nhận đăng ký. Sau khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành, các phương tiện 3 bánh không được cấp mới mà chỉ cho chuyển sở hữu sử dụng hợp pháp. Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, người dân vẫn tiếp tục mua xe 3 bánh một cách “vô tội vạ” nên bị lực lượng chức năng phát hiện tạm giữ và ra quyết định tịch thu.

Theo Phòng CSGT đường bộ, trong 54 trường hợp xe 3 bánh vi phạm về an toàn giao thông bị lập biên bản, có 31 trường hợp xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký xe và 23 trường hợp không xuất trình được. Tuy nhiên, 31 trường hợp có giấy chứng nhận thì toàn bộ số khung, số máy và biển số xe đều không khớp với hồ sơ đăng ký đang quản lý. Qua giám định, 31 giấy chứng nhận đều là giấy giả. Còn 23 trường hợp không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký, đến nay không có ai đến xử lý đối với các phương tiện đang bị giữ.

Đại tá Lê Xuân Lãng - Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Đồng Tháp) khuyến cáo, với giá từ 25 - 40 triệu đồng, người mua phương tiện biết rõ là không thể đăng ký mới nhưng vẫn chấp nhận “làm liều”. Hầu hết những trường hợp phát hiện đều rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mua phương tiện để mưu sinh nhưng không đúng với nguồn gốc xuất xứ, năm sản xuất, giá bán xe thấp. Người dân không nên mua những xe ba gác không rõ nguồn gốc, tránh tình trạng tiền mất tật mang.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn