Bất an tình trạng ghe cào cá dùng xung điện
Cập nhật ngày: 02/11/2022 10:39:23
ĐTO - Mỗi năm, vào mùa nước nổi, nhiều người dân ở Đồng Tháp lại thấy bất an với các ghe cào cá dùng xung điện. Các ghe này hoạt động bất kể ngày đêm trên các dòng kênh, sông, cánh đồng ngập nước.
Ghe cào hoạt động tại khu vực bờ kè Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp
Ghe cào dùng xung điện không chỉ tận diệt nguồn lợi thủy sản, phá ngư cụ của những ngư dân chân chính, mà còn gây ảnh hưởng phạm vi bảo vệ các tuyến kè, đến chất lượng công trình bờ kè dọc kênh, sông.
Ngày đêm ngang nhiên hoạt động
Một tối giữa tháng 10, chúng tôi có mặt tại nhánh sông Tiền, đoạn qua xã Bình Thành, huyện Thanh Bình và xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh. Đây là lúc các phương tiện ghe cào dùng xung điện hoạt động nhiều hơn bao giờ hết. Thấy ghe cào đang tăng tốc hướng vào dọc bờ để cào tôm cá, ông Nguyễn Văn Bình thét lên bảo dừng lại, vì sợ ghe cào dính mấy tay lưới ông đang giăng gần đó. Thế nhưng thay vì giảm tốc độ, ghe này tiếp tục cào “băm nát” các tay lưới.
Mỗi khi nhắc đến các ghe cào cá bằng xung điện, anh Lê Quốc Tuấn ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình không khỏi thất vọng trước sự lộng hành của những đối tượng có mặt trên các phương tiện. Anh Tuấn cho biết: Nhóm người này phần nhiều từ tỉnh An Giang qua. Khi người dân có ý kiến thì họ thách thức, chửi tục; cho rằng xuồng giăng lưới cản trở ghe cào nên tông chìm xuồng, dẫn đến một người trong xóm ngã bị thương ở chân.
Theo nhiều người dân sống ở khu vực kè Bình Thành, huyện Thanh Bình, bên cạnh một số nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ kè mà báo chí phản ánh thì phải kể đến việc ghe cào cá dùng xung điện đã làm ảnh hưởng đến công trình bờ kè. Anh Tuấn bức xúc nói: “Các đối tượng dùng ghe cào biết ở phía mái kè là nơi có rất nhiều cá tôm trú ẩn nên mỗi khi cào là họ chạy ghe tấp vào sát bờ kè để hoạt động. Tôi chứng kiến rất nhiều lần các ghe cào trúng những tấm lưới dùng đậy các thảm đá và họ mang các tấm lưới lên tháo để trên ghe. Cứ ngày này qua ngày nọ, các tấm lưới bị hư hỏng, rách thì làm sao bảo vệ được đá chắn bờ kè. Nhà tôi ở ngay khu vực sạt lở bờ kè nên cảm thấy rất bất an. Đề nghị ngành chức năng có giải pháp ngăn chặn tình trạng ghe cào cá ngang nhiên hoạt động”.
Không chỉ lộng hành trên các nhánh sông Tiền, tại nhiều cánh đồng và tuyến kênh, sông ở huyện Hồng Ngự, TP Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông, Cao Lãnh, các ghe cào còn ngang nhiên hoạt động và “thoải mái” nghỉ trưa để chiều cào tiếp tại các khúc sông có đông nhà dân, mà không thấy ai kiểm tra, xử lý.
Trong những năm gần đây, tỉnh Đồng Tháp được hỗ trợ đầu tư xây dựng một số công trình kè bảo vệ bờ dọc sông Tiền. Các dự án này đã góp phần rất lớn hạn chế sạt lở, ổn định bờ sông bảo vệ tuyến đường giao thông huyết mạch, cơ sở hạ tầng, cải tạo cảnh quan môi trường, ổn định đời sống người dân ven sông Tiền khu vực Đồng Tháp. Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Đường, tình trạng xâm phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình kè thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng, nhất là việc các ghe cào đánh bắt thủy sản trong phạm vi bảo vệ kè...
Những bờ kè bị ảnh hưởng lớn là bờ kè khu vực chợ Bình Thành (huyện Thanh Bình), kè Sa Đéc (TP Sa Đéc), kè An Hiệp (huyện Châu Thành) và kè chống sạt lở xã Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò). “Khi các phương tiện này đi vào phạm vi công trình kè, hệ thống giàn lưới cào đi trên mái kè gây bong tróc, hư hỏng, rách các nắp đậy thảm đá hộc, làm rách bao tải cát. Khi các thảm đá phía trên bị bong tróc, tác dụng bảo vệ của thảm đá sẽ suy giảm, dưới tác động của dòng chảy, nhất là vào mùa lũ sẽ dễ dàng làm trôi đá, trôi các bao tải cát, tạo các hố xoáy cục bộ, gây tuột mái kè ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và tuổi thọ công trình” - ông Đường cho biết.
Cần xử lý nghiêm
Tỉnh Đồng Tháp có 3.283km2 diện tích tự nhiên. Vào mùa nước nổi có đến 65% diện tích bị ngập nước. Đây là thời điểm thích hợp cho các loài thủy sinh vật sinh sản và phát triển. Dựa vào sản lượng khai thác và cơ cấu của các loài cá đã khai thác được, có thể ước tính trữ lượng cá ruộng trũng của tỉnh là 3.886 tấn/năm, trữ lượng trên sông Tiền là 25.000 tấn, sông Hậu là 17.000 tấn.
Toàn tỉnh có hơn 20 loại ngư cụ khác nhau hoạt động trên các ngư trường ở hai mức độ: chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp hoạt động mang tính thời vụ. Nói về nguyên nhân ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh ngày một giảm dần, Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp Dương Thọ Trường cho biết: Bên cạnh những ngư cụ có tính chọn lọc, ít tác động xấu đến nguồn lợi thì tại một số địa phương, ngư dân hoạt động khai thác với các loại ngư cụ mang tính hủy diệt, ảnh hưởng đến nguồn lợi như: sử dụng xung điện (xiệt điện, cào điện...) để khai thác, dùng mắt lưới có kích thước nhỏ... để đánh bắt, dẫn đến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đang tăng cường công tác giám sát của cộng đồng thông qua việc xây dựng các tổ chức cộng đồng dân cư tham gia quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi đánh bắt thủy sản trái quy định pháp luật. Hiện tỉnh Đồng Tháp có 6 Tổ chức cộng đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản được thành lập trên địa bàn huyện Tam Nông. Tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi hoạt động của các Tổ cộng đồng trong việc quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, tính hiệu quả trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từ đó nhân rộng cho các địa phương khác trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện.
|
Nhằm tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp các ngành chức năng và địa phương thường xuyên kiểm tra tình hình đánh bắt trái phép, sử dụng ghe cào xung điện để khai thác nguồn lợi thủy sản. Kết quả, trong giai đoạn 2012-2022, qua 445 đợt thanh tra, kiểm tra hơn 6.000 trường hợp, xử lý hơn 2.260 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt gần 1 tỷ đồng. Riêng tại huyện Thanh Bình, năm 2022, huyện bắt được 2 vụ, 2 đối tượng đánh bắt thủy sản trái phép tại xã An Phong và xã Tân Phú, tang vật thu giữ gồm 2 phương tiện xuồng, 2 bình ắc-quy...
Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình Huỳnh Văn Nờ cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn thường xuyên tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời phối hợp các đơn vị chuyên ngành của 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn huyện nói chung, khu vực bờ kè Bình Thành nói riêng.
Ngoài ra, Đồng Tháp đã ban hành danh mục cấm khai thác thủy sản đối với các ngư cụ làm suy giảm nguồn lợi thủy sản như: cào gọng, đẩy te (xiệp), cào hến... Nghiêm cấm đặt các ngư cụ tại điểm cố định (chà, đăng, vó...) để khai thác thủy sản trên các sông, kênh, rạch thuộc phạm vi tỉnh quản lý và quản lý nghiêm việc đặt ngư cụ đáy khai thác thủy sản trên các tuyến đường thủy nội địa...
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giai đoạn 2020-2022, Sở phối hợp các đơn vị chỉ tổ chức được 7 đợt kiểm tra, xử lý 14 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt là 20 triệu đồng. Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phối hợp các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Để ngăn chặn, xử lý tình trạng ghe cào cá gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tuyến kè trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT cũng đã tham mưu Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên có văn bản gửi đến UBND các địa phương có công trình kè tăng cường các giải pháp xử lý; tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời xử lý, khắc phục các vi phạm không để tình trạng vi phạm kéo dài, tái phạm làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình kè.
HỮU NGHĨA