Cánh thư “Gửi lời xin lỗi”

Cập nhật ngày: 26/12/2014 13:13:34

Năm 2014, Trại giam Cao Lãnh tổ chức phong trào cho phạm nhân viết thư chủ đề “Gửi lời xin lỗi”. Phong trào đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần khơi dậy bản tính lương thiện, biết nhận thức và sửa lỗi trong mỗi phạm nhân.


Phạm nhân Phạm Phú Lộc học nghề đan ghế nhựa trong quá trình chấp hành án tù

   “...Cháu biết chú mất đi là một mất mát to lớn không gì bù đắp lại được. Cháu cầu xin gia đình hãy tha thứ lỗi cho cháu, khi chấp hành xong án phạt tù, cháu sẽ đến gia đình mà quỳ trước bàn thờ của chú xin mọi người tha thứ lỗi...”. Đây là một đoạn trong thư của phạm nhân Võ Thanh Phong gửi cho cô Thoa - vợ của người bị hại. Mỗi bức thư là một hoàn cảnh, một nỗi niềm khác nhau. Tuy lời lẽ, câu từ trong thư còn nhiều lỗi chính tả, lủng củng, rời rạc, nhưng đó là một tâm trạng day dứt, những nỗi niềm, cảm xúc ăn năn, hối lỗi xuất phát từ tấm lòng chân thật của phạm nhân gửi đến người bị hại. Ngoài những lá thư gửi lời xin lỗi đến người bị hại còn có những lá thư gửi người thân với nhiều xúc động: “... Ông ơi! Cho con một lần nữa xin lỗi ông! Con xin lỗi vì tất cả những gì đã xảy ra và con hy vọng rằng những lỗi lầm của con sẽ không đè nặng lên vai ông...” (trích thư của phạm nhân Bùi Thanh Lương gửi cho ông nội). 

Phong trào viết thư chủ đề “Gửi lời xin lỗi” được Trại phát động từ ngày 10/4/2014. Sau 5 tháng phát động, Trại giam nhận được 1.604 bức thư của 1.598 phạm nhân viết gửi cho người bị hại, thân nhân gia đình, trong đó có 134 thư trực tiếp gửi đến người bị hại, thân nhân gia đình và đơn vị đã nhận được 17 thư hồi âm tha thứ. Thông qua thư, có thể phần nào hiểu được nguyên nhân dẫn đến lỗi vi phạm của phạm nhân. Mặc dù biết rằng có thể không được tha thứ nhưng những phạm nhân vẫn tự tin khi nói lên hai tiếng “Xin lỗi” chân thành, như để vơi đi nỗi mặc cảm tội lỗi, vững bước hơn trên con đường hoàn lương.

Phạm nhân Phạm Phú Lộc (SN 1978) phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chấp hành án tù 15 năm, nói: “Khi tôi viết bức thư này tôi rất vui vì mình có thể nói lên nỗi niềm của bản thân mà đã từ lâu không có cơ hội để nói. Lời xin lỗi dù được chấp nhận hay không đối với tôi cũng là một niềm vui vì tôi được làm một điều gì đó để chuộc lại lỗi lầm mình gây ra....” Còn phạm nhân Lê Văn Hiển, ấp Hưng Lợi, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười phạm tội cướp tài sản, chấp hành án 4 năm chia sẻ: “Tôi rất cám ơn Trại giam tạo điều kiện cho tôi được viết bức thư gửi đến người bị hại. Hiện tại, tôi đang cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình và làm lại cuộc đời. Mong ước của tôi là được mọi người tha thứ lỗi lầm và xã hội đón nhận...”.

Trại giam còn tổ chức gặp mặt giữa phạm nhân và người bị hại. Tại buổi gặp mặt, người bị hại cũng bày tỏ sự cảm thông trước những lời nói chân thành của các phạm nhân đối với những nỗi đau mà họ gây ra. Trung úy Huỳnh Ngọc Tùng – cán bộ giáo dục Trại giam Cao Lãnh cho biết: “Phong trào phạm nhân viết thư gửi lời xin lỗi mang lại hiệu quả, được Tổng cục VIII – Bộ Công an nhân rộng. Đây là hoạt động nhằm giáo dục cho phạm nhân thấy sai trái, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đa số phạm nhân tích cực tham gia, xem đây là cơ hội để nói lên sự ăn năn, hối lỗi, qua đó thể hiện tâm tư, nguyện vọng của bản thân mình. Ngoài hình thức viết thư, Trại cũng thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tinh thần nhằm giáo dục hướng thiện cho phạm nhân, đồng thời duy trì hướng nghiệp, dạy nghề, trang bị kỹ năng để phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng dễ dàng...”.

Mỹ Xuyên

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn