Ngành ngân hàng

Hỗ trợ giảm lãi suất và triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng

Cập nhật ngày: 09/10/2023 10:33:02

ĐTO - Cử tri tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hướng dẫn cụ thể việc đánh giá một số tiêu chí tại khoản 4, Điều 3 Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về “Khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi theo đánh giá nội bộ của ngân hàng thương mại...” vì hiện nay các tiêu chí đánh giá nội bộ về khả năng trả nợ, khả năng phục hồi của khách hàng tại từng Chi nhánh ngân hàng thương mại chưa đồng bộ.

Về kiến nghị trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, sau khi chính sách hỗ trợ lãi suất được ban hành, Ngân hàng Nhà nước và các bộ có liên quan đã có văn bản hướng dẫn, giải đáp các vấn đề phát sinh để tạo thuận lợi cho các ngân hàng thương mại và khách hàng trong quá trình triển khai, thực hiện.

Riêng đối với tiêu chí, nguyên tắc về việc đánh giá khách hàng “có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi theo đánh giá nội bộ của ngân hàng thương mại” được hướng dẫn trên cơ sở quy định tại điểm 1.2.c khoản 1, Điều 3 Nghị quyết 43/2022/QH15 về “hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi...”. Quy định này nhằm trao quyền chủ động và tạo sự linh hoạt cho các ngân hàng thương mại trong triển khai chính sách.

Tuy nhiên, thực tế quá trình thực hiện và khảo sát tại địa phương cho thấy, mặc dù có khả năng trả nợ, bản thân khách hàng cũng không dám khẳng định “có khả năng phục hồi” vì đánh giá này rất khó, đặc biệt bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước đã, đang và sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức và xuất hiện thêm nhiều yếu tố bất lợi hơn so với thời điểm ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15.

Do đó, trường hợp khẳng định hoặc đánh giá các tiêu chí doanh thu, sản lượng, lợi nhuận tăng nhưng thực tế do tác động của nhiều yếu tố bất định dẫn tới các chỉ số này không tăng thì các ngân hàng thương mại và khách hàng e ngại sẽ bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra sau này đánh giá trục lợi chính sách. Ngoài ra, một số khách hàng có doanh thu/lợi nhuận trong giai đoạn dịch cao hơn hiện tại nên rất khó để đánh giá đáp ứng tiêu chí “phục hồi”.

Đây là một trong các khó khăn vướng mắc xuất phát từ thực tế khách quan do các tác động bất lợi của nền kinh tế. Trường hợp sửa tiêu chí này cần báo cáo Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 43/2022/QH15, trong khi thời gian triển khai chính sách sắp kết thúc và kết quả hỗ trợ lãi suất thực tế có thể vẫn thấp do nhiều nguyên nhân khác và phụ thuộc rất lớn vào tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra của khách hàng và cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất như theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách với quyết tâm cao nhất, tiếp tục công tác truyền thông, tuyên truyền đẩy mạnh triển khai hỗ trợ lãi suất để các đối tượng quan tâm được tiếp cận chính sách hỗ trợ từ ngân sách. Đồng thời sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành nguồn lực của chính các ngân hàng để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng và tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế theo đúng chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn