Huyện Cao Lãnh
Nhìn lại việc thi hành bộ luật hình sự

Cập nhật ngày: 26/11/2012 03:56:36

Tổng kết 11 năm thi hành bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999, UBND huyện Cao Lãnh đánh giá: BLHS là một trong những đạo luật quan trọng, ảnh hưởng lớn đến công tác đấu tranh, phòng, chống và xử lý tội phạm, góp phần giữ vững đời sống xã hội.

Tình hình tội phạm trong 11 năm qua trên địa bàn huyện diễn biến khá phức tạp và có chiều hướng gia tăng, tội phạm mới xuất hiện (tội phạm công nghệ cao lừa đảo qua mạng), người phạm tội ở tuổi vị thành niên nhiều hơn trước, cụ thể là các loại tội phạm như: trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, đánh bạc, chống người thi hành công vụ, giao cấu với trẻ em, hiếp dâm trẻ em, giết người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng...

Đối tượng phạm tội thường ở tuổi 18-35. Phạm tội trong độ tuổi vị thành niên là 64/79 bị can với các tội danh: trộm, cướp tài sản, hiếp dâm trẻ em, cố ý gây thương tích, giết người, đánh bạc.

Trong 11 năm qua, cơ quan điều tra đã khởi tố 744/870 bị can, đề nghị truy tố 590 vụ/921 bị can; đình chỉ điều tra 23 vụ/28 bị can; tạm đình chỉ 41 vụ/36 bị can. Viện Kiểm sát nhân dân truy tố 534 vụ/841bị can; đình chỉ, tạm đình chỉ 8 vụ/12 bị can. Tòa án đưa ra xét xử 511 vụ/806 bị can.

Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình hình tội phạm trên là do sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, dẫn đến sự suy thoái về đạo đức của một bộ phận người dân (nhất là thanh, thiếu niên) với lối sống buông thả, ỷ lại, bạo lực; kinh tế - xã hội khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, lao động không có việc làm; nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế, thiếu ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật;...

Ngoài những nguyên nhân mang tính khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan như: người dân chưa nâng cao ý thức cảnh giác với những phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm ngày càng tinh vi; trong quản lý tài sản còn nhiều sơ hở, thiếu sót; công tác phòng ngừa nghiệp vụ, khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết để đấu tranh với các loại tội phạm có lúc gặp khó khăn, hiệu quả chưa cao.

Báo cáo của huyện Cao Lãnh nêu: BLHS vừa mang tính nhân đạo, giáo dục, vừa mang tính răn đe, trừng trị đối tượng thực hiện hành vi phạm tội; là công cụ pháp lý hữu hiệu trong công tác đấu tra, phòng, chống và xử lý các loại tội phạm; góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Tuy nhiên, do ban hành từ năm 1999 nên BLHS chưa thể chế hóa được những quan điểm, chủ trương mới của Đảng về cải cách tư pháp, nên tổng kết việc thi hành là cần thiết, để qua đó có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình đổi mới của đất nước.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn