Mở rộng quyền yêu cầu giám định tư pháp

Cập nhật ngày: 07/12/2012 03:37:28

Luật Giám định tư pháp (GĐTP) được ban hành nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới mang tính đột phá, bền vững cho hoạt động GĐTP ở nước ta, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng mà trọng tâm là bảo đảm việc phán quyết của tòa án được kịp thời, khách quan, đúng pháp luật.

Luật GĐTP quy định mở rộng quyền yêu cầu GĐTP. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm: đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Quy định này của Luật đã mở ra cơ hội mới, tạo điều kiện chủ động cho các bên đương sự thu thập chứng cứ để chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp có thể là công chức, viên chức nhà nước hoặc cũng có thể là người hành nghề tự do khi có đủ các tiêu chuẩn được quy định như có sức khỏe, phẩm chất đạo đức; có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ 5 năm trở lên. Riêng đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì ngoài các tiêu chuẩn trên còn phải có chứng chỉ đã được bồi dưỡng nghiệp vụ giám định.

Một quy định mới khác là tiêu chuẩn của giám định viên pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự là đối với người đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn chỉ cần đủ 3 năm trở lên (không phải 5 năm) cũng được xem xét bổ nhiệm giám định viên tư pháp.

Điểm mới cơ bản của Luật GĐTP là quy định có 2 loại tổ chức GĐTP: công lập và ngoài công lập. Quy định này là một bước đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động GĐTP nhằm huy động tối đa nguồn lực của xã hội cho hoạt động GĐTP, bảo đảm cho cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn khi xem xét, quyết định trưng cầu giám định trong điều kiện còn thiếu giám định viên, thiếu tổ chức để trưng cầu giám định. Tổ chức GĐTP ngoài công lập hoạt động dưới hình thức Văn phòng GĐTP.

Văn phòng GĐTP được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả. Văn phòng GĐTP do 1 giám định viên tư pháp thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân; nếu do 2 giám định viên tư pháp trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.

Về chi phí GĐTP, Luật quy định người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có trách nhiệm trả chi phí GĐTP cho cá nhân, tổ chức thực hiện GĐTP theo quy định của pháp luật về chi phí GĐTP.

Luật GĐTP sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Kể từ ngày Luật GĐTP có hiệu lực thi hành, các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính về GĐTP có nội dung khác với Luật GĐTP thì áp dụng quy định của Luật GĐTP.

T.T

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn