Những mô hình mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Cập nhật ngày: 06/09/2022 10:30:12

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220906103058dt2-4.mp3

 

ĐTO - Sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2012 được ban hành, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện đã tổ chức triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về nội dung của Luật PBGDPL. Qua đó, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác PBGDPL...


Các đơn vị ký kết Quy chế phối hợp về tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người dân

Qua 10 năm thi hành Luật PBGDPL, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình mới về công tác PBGDPL. Trong đó, có hình thức PBGDPL và trợ giúp pháp lý qua công tác tiếp công dân đã được Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, Hội Luật gia và Đoàn Luật sư tỉnh ký kết Quy chế phối hợp thực hiện 2 ngày/tuần (vào thứ Ba và thứ Năm). Qua hình thức này, đã nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác PBGDPL, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người dân; tập trung cho nhóm đối tượng có nhu cầu thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo hoặc kiến nghị, phản ánh ý kiến đối với cơ quan chức năng, góp phần giảm số lượng đơn thư, khiếu nại, tố cáo vượt cấp và thông qua hoạt động này để vận động người dân chấp hành pháp luật.

Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh Đồng Tháp được xây dựng và vận hành đi vào hoạt động, đây là hình thức mới nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. Hình thức PBGDPL qua các chuyên mục trên truyền hình và sóng phát thanh của Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp như: “Phổ biến pháp luật - Biết để làm đúng”, chương trình “Tư vấn pháp luật trực tiếp”, “Câu chuyện truyền thanh” là những hình thức mang lại hiệu quả thiết thực với người dân. Sau khi phát sóng trực tiếp, đường link chuyên mục, chương trình và câu chuyện được gửi về cơ sở tiếp tục tuyên truyền trên Đài truyền thanh của xã để tiếp tục lan tỏa.

Mô hình Câu lạc bộ (CLB) hòa giải ở cơ sở đang có sức lan tỏa, mục đích hoạt động của CLB hòa giải là tạo điều kiện để các hòa giải viên tiếp cận, cập nhật những kiến thức pháp luật mới kịp thời và cùng trao đổi kinh nghiệm để vận dụng vào công tác hòa giải, công tác PBGDPL qua hoạt động hòa giải, góp phần nâng cao chất lượng công tác PBGDPL và hòa giải ở cơ sở. Cùng với đó, nhóm Zalo PBGDPL là mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL đã kịp thời chia sẻ thông tin pháp luật với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, vừa cung cấp kiến thức pháp luật, vừa nhắc nhở người dân chấp hành pháp luật. Hình thức này thực hiện thường xuyên mỗi tuần, được cán bộ, công chức và Nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Các cấp Hội phụ nữ phối hợp với các ngành xây dựng được 30 CLB “Phụ nữ với pháp luật” với 735 thành viên; 34 CLB “Gia đình không vi phạm pháp luật” với trên 1.000 thành viên; 63 CLB “Phụ nữ với an toàn giao thông”, “Văn hóa giao thông, gia đình với an toàn giao thông” có trên 1.900 thành viên. Đặc biệt phát huy hiệu quả Tổ dư luận xã hội với 165 tổ với hơn 1.800 thành viên.

Hình thức PBGDPL “Đối thoại trực tiếp với Nhân dân” thực hiện vào chiều thứ Sáu hàng tuần giữa lãnh đạo, công chức cấp xã với Nhân dân tại địa phương... đã tạo điều kiện để người dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình cũng như được giải đáp những vướng mắc pháp luật, thủ tục hành chính theo nhu cầu. Mô hình này đã được người dân đồng thuận rất cao. Mô hình lồng ghép PBGDPL qua trên 117 Hội quán trên địa bàn tỉnh cũng được các đơn vị và địa phương phát huy hiệu quả với hình thức đa dạng như: hỏi - đáp pháp luật có thưởng, hái hoa dân chủ... Cách làm này đã được các thành viên trong Hội quán và người dân đồng tình hưởng ứng.

“Điểm tư vấn pháp luật miễn phí” hay các “Tổ tư vấn pháp luật” cũng đã tạo nên nét mới trong công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư. Mô hình “Cán bộ hưu trí cùng Nhân dân tham gia đảm bảo an ninh trật tự” nhằm vận động các cán bộ hưu trí cùng tham gia với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phòng, chống các tội phạm, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự ở địa bàn. Mô hình móc khóa an ninh, trên mỗi móc khóa gửi đến người dân có nội dung số điện thoại của Công an xã để người dân liên hệ khi cần thiết hoặc kịp thời thông báo tố giác tội phạm tại địa phương.

Từ những kết quả đạt được cho thấy, công tác PBGDPL được các cấp, các ngành kết hợp với giáo dục đạo đức, góp phần nâng cao ý thức “sống và làm theo Hiến pháp và pháp luật”, đạo đức công vụ, trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ công chức, viên chức trong thực thi công vụ, vận động gia đình, người thân chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật, đưa pháp luật đi vào đời sống.

NHẬT ANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn