Phòng, chống tội phạm mua bán người
Cập nhật ngày: 27/02/2022 09:47:30
ĐTO - Triển khai nhiệm vụ phòng, chống tội phạm mua bán người (MBN) trên địa bàn tỉnh năm 2022, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh không để hình thành đường dây, băng nhóm hoạt động liên quan đến tội phạm MBN. Đồng thời tích cực triển khai hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng.
Một buổi tuyên truyền phòng ngừa tội phạm gắn với phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân tại khu vực biên giới huyện Hồng Ngự
Thời gian qua, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138/ĐP tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm MBN trên địa bàn tỉnh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện năm 2022. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, UBND huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm MBN bằng nhiều hình thức trên các phương tiện truyền thông. Phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình, tình hình phụ nữ bị đối tượng MBN dụ dỗ, lừa gạt để buôn bán dưới dạng môi giới hôn nhân; thông tin cảnh báo cho phụ nữ về rủi ro có thể gặp phải khi kết hôn với người nước ngoài phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Từ năm 2021 đến nay, các cấp, ngành, địa phương đã thực hiện hơn 6.000 lượt tin nhắn an ninh phòng, chống tội phạm đến số điện thoại di động; chia sẻ 10 bài viết trên mạng xã hội Facebook, Zalo có nội dung phòng, chống MBN; phát 300 tờ bướm tuyên truyền cho người dân; lồng ghép tuyên truyền phòng, chống tội phạm đưa người ra nước ngoài trái phép, MBN tại 5 điểm thu hút hơn 3.000 lượt người dự. Từ đó, giúp người dân nâng cao ý thức cảnh giác, kỹ năng phòng ngừa tội phạm và tích cực tố giác các hành vi vi phạm pháp luật.
Song song với công tác tuyên truyền, các đơn vị còn duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động các mô hình, câu lạc bộ như: “Tổ phụ nữ xây dựng gia đình không tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Tổ phụ nữ tình thương và trách nhiệm”, “Tổ phụ nữ pháp luật”, “Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình”, “Câu lạc bộ phòng, chống MBN”, mô hình “Gia đình 5 không 3 sạch”; duy trì đường dây điện thoại nóng (02773.875.111) để tiếp nhận thông tin của các nạn nhân cần giúp đỡ và tư vấn phụ nữ kết hôn có yếu tố nước ngoài. Lực lượng Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng tỉnh duy trì tốt mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các lực lượng chức năng của tỉnh Prây-veng (Campuchia) trong công tác bảo vệ an ninh biên giới, phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép liên quan hoạt động phạm tội MBN, góp phần không để xảy ra vụ việc MBN trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, tình trạng người dân khó khăn khu vực biên giới có nhu cầu xuất cảnh sang Campuchia tìm việc làm; một số phụ nữ có nhu cầu lấy chồng nước ngoài để cải thiện kinh tế..., vẫn còn cao. Lợi dụng yếu tố này, các đối tượng, tổ chức liên quan đến hoạt động đưa, rước người xuất nhập cảnh trái phép hoặc tội phạm MBN sẽ tìm cách tiếp cận thực hiện hành vi lừa gạt mua bán và đưa người trái phép ra nước ngoài. Do đó, các cấp, ngành, UBND huyện, thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phương thức, thủ đoạn tội phạm MBN; phổ biến pháp luật về phòng, chống MBN phù hợp trong tình hình dịch Covid-19; duy trì, nhân rộng các câu lạc bộ, mô hình hiệu quả về tự quản, tự phòng tại cộng đồng dân cư. Đồng thời thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng; duy trì mối quan hệ hợp tác quốc tế với lực lượng chức năng tỉnh Prây-veng (Campuchia) trong việc trao đổi thông tin, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm MBN, góp phần ngăn chặn, giải cứu kịp thời nạn nhân bị mua bán...
LÊ THANH