Triệt phá đường dây mua bán hóa đơn giá trị gia tăng
Cập nhật ngày: 11/11/2022 13:39:10
ĐTO - Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đồng Tháp vừa triệt phá đường dây mua bán hóa đơn giá trị gia tăng. Đây là loại tội phạm mua bán hóa đơn với mục đích vi phạm hoàn toàn mới và chưa từng xảy ra trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Qua công tác quản lý địa bàn, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đồng Tháp phát hiện nhóm đối tượng có hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng. Vụ việc đã báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh nắm, chỉ đạo và tiến hành xác lập chuyên án đấu tranh. Đại tá Trần Văn Đoàn - Phó Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Ban chuyên án đã chỉ đạo các lực lượng có liên quan nhanh chóng điều tra làm rõ vụ án.
Theo kế hoạch, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp cùng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh phát hiện bắt quả tang 4 phương tiện xà lan ở các tỉnh Bến Tre và Hậu Giang có hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng tại địa bàn xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự. Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Lương Duy Phúc (SN 1983) ngụ xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự là Giám đốc Công ty TNHH MTV Lương Duy Phúc; đồng thời khám xét thêm 3 công ty khác trên địa bàn xã Thường Phước 2 và xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự do vợ, em ruột và người thân của Phúc đứng tên. Qua khám xét, lực lượng Công an đã phát hiện, thu giữ nhiều thiết bị, con dấu, tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi mua bán trái phép hóa đơn của các đối tượng.
Thượng tá Trần Anh Chánh - Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết: Ban chuyên án xác định đối tượng Lương Duy Phúc là chủ mưu cầm đầu cùng với Nguyễn Kim Tùng thực hiện hành vi mua bán hóa đơn. Xuất phát từ nhu cầu của các xà lan mua bán cát trôi nổi, Phúc biết nhu cầu trên nên thành lập 4 doanh nghiệp cho vợ, em vợ và người quen đứng tên để hợp thức hóa hóa đơn đầu vào và thực hiện hành vi mua bán hóa đơn.
Qua điều tra, Lương Duy Phúc khai nhận cả 4 doanh nghiệp do Phúc thành lập nhằm xuất hóa đơn cho các phương tiện khai thác cát trái phép không có hóa đơn. Vì vậy, những chủ xà lan này muốn vận chuyển cát từ tỉnh An Giang đến địa bàn tỉnh Đồng Tháp phải mua hóa đơn từ doanh nghiệp của Phúc, sau đó tiếp tục vận chuyển về các tỉnh lân cận như: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ...
Qua lời khai của các chủ xà lan, họ chỉ sử dụng hóa đơn từ doanh nghiệp của Phúc trên đường vận chuyển, khi về địa phương, các chủ xà lan này sẽ không sử dụng hóa đơn của Phúc, vì vậy khi bán ra họ cũng không kê khai nộp thuế. Hậu quả của hành vi này làm ảnh hưởng, thất thu lĩnh vực thuế ở 2 điểm đầu là khai thác và điểm cuối là sử dụng rất lớn.
Ông Trần Văn Khoa - Phó cục Trưởng Cục thuế tỉnh Đồng Tháp cho biết: Chưa có số liệu cụ thể gây thiệt hại là bao nhiêu nhưng xét về tổng thể thiệt hại ngân sách nhà nước sẽ thể hiện ở các mặt như sau: Phúc đã tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân khai thác trái phép tài nguyên của các địa phương và số lượng cát này nếu như theo quy định của pháp luật phải nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng là rất lớn. Ngoài ra, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, môi trường đầu tư và môi trường tài nguyên gây thiệt hại rất lớn.
Quá trình điều tra xác minh cho thấy, cả 4 công ty do Phúc lập ra không có hoạt động kinh doanh thực tế, không có nhà kho, bến bãi, phương tiện sản xuất, nhân công lao động phục vụ cho việc kinh doanh. Thực tế, các đối tượng đã thông qua các mối quan hệ xã hội để tìm khách hàng và bán hóa đơn cho các chủ xà lan trên địa bàn trong và ngoài tỉnh có nhu cầu mua hóa đơn để kê khai báo cáo thuế nhằm hợp thức hóa trên đường vận chuyển để đối phó với lực lượng chức năng khi kiểm tra. Hiện Cơ quan Công an đang hoàn tất các thủ tục để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Đoàn Diểu