Ủy ban Tư pháp Quốc hội khảo sát việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người tại Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 23/03/2023 12:56:53

ĐTO - Ngày 23/3, Đoàn công tác do bà Mai Thị Phương Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Quốc hội làm trưởng đoàn đến làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp về việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người (PCMBN) giai đoạn 2012-2022. Tham gia đoàn công tác có ông Trần Văn Sáu - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Tiếp và làm việc với đoàn có ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh, ông Kiều Thế Lâm - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.


Bà Mai Thị Phương Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc

Bà Mai Thị Phương Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Quốc hội cho biết, đoàn công tác tìm hiểu về thực trạng triển khai thi hành pháp luật về PCMBN;  thực trạng tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người diễn ra trên địa bàn; hợp tác quốc tế, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong PCMBN… nhằm thu thập thông tin, phục vụ việc hoàn thiện pháp luật về PCMBN, nhất là việc sửa đổi, bổ sung Luật PCMBN.

Thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã quan tâm chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội các cấp triển khai có hiệu quả chính sách, pháp luật về PCMBN, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp và toàn xã hội trong công tác PCMBN; trên địa bàn tỉnh không có các băng nhóm, đường dây tội phạm mua bán người.

Công tác phòng ngừa phát huy hiệu quả, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đi sâu vào quần chúng nhân dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chủ động phòng ngừa và tích cực tố giác tội phạm. Nhiều mô hình, câu lạc bộ được xây dựng và nhân rộng, huy động sự tham gia tích cực của Nhân dân vào phòng, chống tội phạm mua bán người.


Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa tiếp và làm việc với đoàn công tác
 

Công tác quản lý địa bàn, đối tượng chặt chẽ, siết chặt các mặt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Công tác khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến mua bán người được thực hiện nghiêm, xử lý đúng người, đúng tội và đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCMBN còn gặp một số khó khăn, hạn chế như nhiều trường hợp do cuộc sống khó khăn, không có việc làm, có nhu cầu tìm việc làm nên bị các đối tượng lừa gạt bán ra nước ngoài; nhận thức của một bộ phận người dân đối với tội phạm mua bán người còn thấp. Công tác quản lý mạng internet, mạng viễn thông còn nhiều bất cập, các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt người dân ra nước ngoài để thực hiện hành vi mua bán người.

Dự báo trong thời gian tới, hoạt động của tội phạm mua bán người vẫn tiếp tục diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi hơn, UBND tỉnh đưa ra các giải pháp để thực hiện tốt công tác PCMBN, đồng thời có các kiến nghị đến Quốc hội và các bộ, ngành trung ương.


Lãnh đạo các sở, ngành trao đổi về những thuận lợi, khó khăn trong công tác phòng, chống mua bán người

Cụ thể, nâng cao chất lượng ban hành dự án Luật PCMBN (sửa đổi) đảm bảo tính khả thi, phù hợp với các điều ước, công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và thực tiễn tình hình tại Việt Nam; tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là khu vực nông thôn, biên giới…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành đã báo cáo những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện công tác chấp hành các quy định của pháp luật về PCMBN giai đoạn 2012-2022 và nêu các kiến nghị với đoàn công tác. Các thành viên đoàn công tác đã trao đổi làm rõ thêm một số vấn đề liên quan công tác PCMBN.   

Buổi chiều cùng ngày, đoàn công tác khảo sát trực tiếp tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

THANH TRÚC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn