Vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân có thể bị xử lý hình sự

Cập nhật ngày: 24/04/2023 11:08:54

ĐTO - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 13 ngày 17/4/2023 quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đó, các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân là dữ liệu cá nhân được xử lý theo quy định của pháp luật; chủ thể dữ liệu được biết về hoạt động liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác; dữ liệu cá nhân chỉ được xử lý đúng với mục đích đã được bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên xử lý dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, bên thứ ba đăng ký, tuyên bố về xử lý dữ liệu cá nhân.

Dữ liệu cá nhân thu thập phải phù hợp và giới hạn trong phạm vi, mục đích cần xử lý. Dữ liệu cá nhân không được mua, bán dưới mọi hình thức, trừ trường hợp luật có quy định khác. Dữ liệu cá nhân được cập nhật, bổ sung phù hợp với mục đích xử lý. Dữ liệu cá nhân được áp dụng các biện pháp bảo vệ, bảo mật trong quá trình xử lý, bao gồm cả việc bảo vệ trước các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và phòng, chống sự mất mát, phá hủy hoặc thiệt hại do sự cố, sử dụng các biện pháp kỹ thuật...

Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân tùy theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định. Nghị định quy định cụ thể những hành vi bị nghiêm cấm như xử lý dữ liệu cá nhân trái với quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; xử lý dữ liệu cá nhân để tạo ra thông tin, dữ liệu nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xử lý dữ liệu cá nhân để tạo ra thông tin, dữ liệu gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; cản trở hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan có thẩm quyền; lợi dụng hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân để vi phạm pháp luật.

Nghị định cũng nêu rõ các biện pháp, điều kiện bảo đảm bảo vệ dữ liệu cá nhân. Cụ thể, biện pháp quản lý do tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện; biện pháp kỹ thuật do tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện; biện pháp do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thực hiện; biện pháp điều tra, tố tụng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện; các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an. Chính phủ cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong đó, Bộ Công an giúp Chính phủ thống nhất thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân; hướng dẫn, triển khai hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ quyền của chủ thể dữ liệu trước các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đề xuất ban hành Tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu cá nhân và các khuyến nghị áp dụng.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước đối với bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các ngành, lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; triển khai các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; bố trí kinh phí phục vụ hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành; ban hành Danh mục dữ liệu mở phù hợp với quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Các tổ chức, cá nhân có liên quan có biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình, chịu trách nhiệm về tính chính xác của dữ liệu cá nhân do mình cung cấp; thực hiện quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; thông báo kịp thời cho Bộ Công an về những vi phạm liên quan tới hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân; phối hợp với Bộ Công an trong xử lý những vi phạm liên quan tới hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

T. T

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn