Xử lý nghiêm hành vi khai thác cát sông trái phép
Cập nhật ngày: 10/12/2023 10:26:41
ĐTO - Tại tỉnh Đồng Tháp, nếu như năm 2022, UBND tỉnh cấp phép khai thác cát sông với công suất khoảng 6 triệu m³/năm thì năm 2023, giảm còn 4 triệu m³/năm. Trong khi đó, nhu cầu cát của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 lên đến khoảng 43 triệu m³. Khi cầu vượt cung, giá cát tăng thì hoạt động khai thác cát sông trái phép diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy, công tác đấu tranh với các hành vi khai thác cát sông trái phép được Công an tỉnh Đồng Tháp kiên quyết xử lý nghiêm. Tuy nhiên, do nguồn cát khan hiếm, một số đối tượng trong và ngoài tỉnh đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng. Như vụ khai thác cát sông trái phép vào tối ngày 3/11/2023, trên tuyến sông Cái Nhỏ thuộc ấp Bình Mỹ A, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp Công an huyện Cao Lãnh tổ chức tuần tra, kiểm soát. Qua đó, phát hiện 2 đối tượng đang khai thác cát trái phép lên ghe gỗ có trọng tải 45 tấn. Khi phát hiện lực lượng Công an, 2 đối tượng đã nhảy xuống sông bơi vào bờ bỏ trốn. Kiểm tra phương tiện, lực lượng Công an phát hiện trên ghe có lắp đặt hệ thống bơm hút cát và khoảng 20 m³ cát.
Lực lượng Công an kiểm tra phương tiện khai thác cát sông trái phép
Để thoát khỏi sự truy bắt của lực lượng chức năng, các đối tượng không chỉ xem thường mạng sống của mình mà còn manh động tấn công lực lượng Công an để tẩu thoát. Cụ thể như vụ việc xảy ra vào ngày 14/9/2022, trên tuyến sông Tiền thuộc thủy phận ấp Nhứt, xã An Phong, huyện Thanh Bình, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh bắt quả tang đối tượng Dương Tuấn Thanh (SN 2004) ngụ tỉnh Tiền Giang và Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997) ngụ tỉnh Đồng Nai sử dụng phương tiện ghe gỗ có trọng tải khoảng 60 tấn đang thực hiện hành vi khai thác cát sông trái phép. Khi phát hiện Tổ công tác, các đối tượng có hành vi chống đối như sử dụng 2 vòi nước xịt mạnh vào lực lượng đang thi hành công vụ, tuy nhiên, các thành viên Tổ công tác đã nhanh chóng áp sát phương tiện, bắt giữ các đối tượng và an toàn vào bờ.
Với thủ đoạn ngày càng tinh vi, các đối tượng khai thác cát sông trái phép thường lựa chọn những địa phương giáp ranh như: tuyến sông Tiền thuộc thủy phận huyện Châu Thành giáp tỉnh Vĩnh Long; xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh giáp tỉnh Tiền Giang. Quá trình khai thác cát trái phép diễn ra vào ban đêm, các đối tượng hoạt động lén lút ở các khu vực hẻo lánh ít phương tiện thủy qua lại, thuê người canh đường, liên tục thay đổi thời gian hút cát, thông tin cho nhau khi phát hiện lực lượng tuần tra. Một số đối tượng còn dùng máy bơm hút cát từ lòng sông lên thẳng điểm tập kết. Bên cạnh đó, chủ các phương tiện khai thác cát trái phép còn sử dụng lao động không có hợp đồng, không có giấy tờ tùy thân, thường là các đối tượng ngoại tỉnh, chưa có tiền án, tiền sự về hành vi khai thác khoáng sản trái phép.
Để đấu tranh có hiệu quả với hoạt động khai thác cát sông, trong thời gian tới, Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân cung cấp thông tin có giá trị cho lực lượng chức năng; thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ như: rà soát các đối tượng trên địa bàn, nắm chắc tình hình, kịp thời ngăn ngừa, đấu tranh đối với hành vi liên quan đến khai thác, vận chuyển, mua bán cát trái phép. Đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường sông nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác khoáng sản nói chung và khai thác cát trái phép nói riêng; chủ động phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh quản lý, kiểm soát chặt hoạt động khai thác, mua bán, các bến bãi, điểm tập kết cát; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động khai thác cát, góp phần bảo vệ an ninh, an toàn nguồn tài nguyên khoáng sản ở địa phương.
Thanh Thảo