“Trung Quốc là kẻ bắt nạt nếu không ra tòa cùng Philippines”
Cập nhật ngày: 25/05/2013 13:39:20
Việc Bắc Kinh từ chối ra tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp về yêu sách chủ quyền phi lý của họ tại biển Đông biến nước này trở thành một kẻ bắt nạt trong mắt cộng đồng quốc tế, theo một chuyên gia hàng đầu của Mỹ về luật Trung Quốc.
Tàu hải giám Trung Quốc tại khu vực bãi cạn Scarborough
tranh chấp với Philippines - Ảnh: AFP
Vào tháng 1, Philippines đã thách thức giá trị những tuyên bố về đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) phi lý của Trung Quốc tại biển Đông, bằng cách đưa vụ việc ra Tòa án Quốc tế về luật Biển.
Giáo sư Jerome Cohen thuộc khoa luật của Trường đại học New York nói ông “thất vọng” khi Bắc Kinh từ chối ra tòa, theo tờ South China Morning Post.
“Giới lãnh đạo (Trung Quốc) rõ ràng có quan điểm rằng thiệt hại sẽ ít, đặc biệt nếu họ ép buộc Philippines đi đến thỏa hiệp khi phiên tòa đang diễn ra”, ông Cohen nói trong bài giảng tại Trường đại học Hồng Kông hôm 23.5.
Tuy nhiên, Trung Quốc "sẽ trông biết điều hơn” nếu họ đưa ra lý lẽ trước ban trọng tài bởi điều này được xem là tôn trọng nghĩa vụ tuân thủ các điều khoản trong Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS), theo ông Cohen.
Ông Cohen nói lý lẽ của Trung Quốc là chủ quyền lịch sử của họ tại khu vực hiện hữu từ lâu trước khi UNCLOS xuất hiện, song thay vì theo đúng trình tự, Trung Quốc lại tuyên bố quan điểm của họ không thể bị nghi ngờ nên họ không cần phải đếm xỉa đến những gì họ cam kết.
Trung Quốc vốn ký và phê chuẩn UNCLOS không lâu sau khi nó có hiệu lực năm 1994.
“Làm thế nào một quốc gia có thể nói chúng tôi quá đúng nên chúng tôi không cần phải ra trước một tòa án công bằng mà trước đó chúng tôi đã chấp thuận có tư cách xem xét giá trị quan điểm của chúng tôi?”, ông Cohen nói.
“Điều này biến Trung Quốc trở nên xấu xí trong mắt cộng đồng thế giới… Giờ đây họ trông như kẻ bắt nạt vốn từ chối nghĩa vụ pháp lý nhằm giải quyết tranh chấp theo UNCLOS”, ông Cohen nói tiếp.
Ông Cohen nói ông mong muốn chứng kiến các quốc gia khác có tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và biển Hoa Đông giải quyết tranh chấp thông qua tòa án.
Mọi “cường quốc”, kể cả Mỹ và Trung Quốc “cần phải luôn được nhắc nhở rằng họ là đối tượng của các giới hạn quốc tế mà đôi khi họ không thích”.
Sơn Duân/Thanh Niên online