Cuộc chiến Syria làm nóng diễn đàn G20
Cập nhật ngày: 06/09/2013 08:52:24
Mùi khói súng ở Syria và mối đe dọa của các tên lửa ở Địa Trung Hải là sức ép đối với các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị G20 ở Saint Petersburg (Nga) ngày 5-9.
Trung Quốc và Nga không ủng hộ can thiệp quân sự vào Syria. Trong ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải)
tại Saint Petersburg. Ảnh: AFP
Từ Thụy Điển, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Saint Petersburg, mang theo kỳ vọng hội nghị diễn ra hai ngày ở bờ biển Baltic là cơ hội để ông hàn gắn bất đồng, thúc đẩy sự ủng hộ của quốc tế đối với kế hoạch tấn công Syria. Song, vấn đề Syria không phải là nội dung chính của chương trình nghị sự của G20, vốn chủ yếu bàn về kinh tế, thương mại toàn cầu.
AFP cho biết, Tổng thống Obama sẽ có các cuộc gặp bên lề với Tổng thống Pháp Francois Hollande - đồng minh chính của ông trong kế hoạch tấn công Syria, cũng như gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản. Không có hội đàm chính thức trực tiếp giữa ông với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin, trong lúc quan hệ Mỹ - Nga đang có những rạn nứt vì vụ cựu nhân viên tình báo Edward Snowden, và vì Mátxcơva vẫn chủ trương chống lại bất kỳ sự can thiệp bằng quân sự nào vào Syria. Điện Kremlin còn yêu cầu bằng chứng thuyết phục về việc Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công ngày 21-8 vừa qua ở ngoại ô Damascus thì mới ủng hộ việc tấn công.
Theo các nhà quan sát, mùi khói súng ở Syria đã kéo cả đặc sứ LHQ Lakhdar Brahimi đến Saint Petersburg. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho hay, ông Brahimi sẽ thúc đẩy việc tổ chức Hội nghị quốc tế về Syria tại Geneva (Thụy Sĩ). Theo ông Ban Ki-moon, giải pháp chính trị là cách duy nhất để kết thúc cuộc khủng hoảng đẫm máu ở Syria. AFP nhận định: LHQ đang nỗ lực kiến thiết một hội nghị hòa bình, mặc dù Mỹ sẵn sàng một cuộc không kích chống Syria. “Đây là lúc các bên ngừng giao tranh và bắt đầu đối thoại. Người Syria cần hòa bình”, ông Ban Ki-moon nói.
Tháng 5 vừa qua, Mỹ và Nga cũng tuyên bố hai nước này sẽ nỗ lực đưa Chính phủ Syria cùng đại diện của phe đối lập ngồi vào bàn nghị sự tại một hội nghị quốc tế. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ thời điểm tổ chức hội nghị và không có dấu hiệu sự kiện này sẽ diễn ra trong tương lai gần.
Tại diễn đàn G8 vào tháng 6-2013, Nga dường như bị cô lập trong vấn đề Syria. Tuy nhiên, đến với diễn đàn G20 lần này, Trung Quốc ủng hộ Mátxcơva phản đối sự can thiệp quân sự vào Syria. Bắc Kinh cho rằng, một cuộc tấn công nhằm vào quốc gia Trung Đông này sẽ làm tổn hại nền kinh tế toàn cầu và đẩy giá dầu tăng cao. “Hành động quân sự sẽ tạo ra tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là giá dầu”, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao nói. Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tái khẳng định: Bên nào sử dụng vũ khí hóa học thì nên nhận trách nhiệm nhưng hành động quân sự đơn phương là vi phạm luật quốc tế và làm xung đột phức tạp thêm.
Cũng như Nga, Trung Quốc nắm quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ. Vì vậy, Tổng thống Obama không thể qua được “cửa ải” này nên mới tìm kiếm sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ.
Trong lúc đó, Iran tuyên bố “ủng hộ Syria cho đến cuối cùng” khi đối mặt với khả năng xảy ra các cuộc không kích của Mỹ.
VĨNH AN/ĐNO