Syria cầu cứu LHQ
Cập nhật ngày: 03/09/2013 07:56:18
Syria kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ giữ vai trò là “van an toàn”, ngăn chặn việc dùng vũ lực vượt ra khỏi khuôn khổ luật pháp quốc tế để chống lại quốc gia này.
Tổng thống Bashar al-Assad (thứ hai, từ trái sang) cùng vợ, bà Asma (trái),
chuẩn bị viện trợ cho người dân ở thành phố Homs. Ảnh: Reuters
Trong thư gửi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Chủ tịch Hội đồng Bảo an Maria Cristina Perceval, Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Ja’afari kêu gọi Tổng Thư ký gánh vác trách nhiệm trong việc ngăn chặn bất kỳ sự xâm lược nào đối với nước của ông, đồng thời thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 2 năm qua.
Hãng thông tấn SANA ngày 2-9 dẫn lời ông Ja’afari nói rằng, Mỹ cần đóng vai trò là người bảo trợ hòa bình và là đối tác của Nga trong việc chuẩn bị một hội nghị quốc tế về Syria, chứ không nên dùng vũ lực chống lại bất kỳ quốc gia nào phản đối chính sách của Washington. Damascus cũng cam kết đối đầu với sự xâm lược như lực lượng nổi dậy trong nước phải đối mặt hằng ngày. Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad còn cho rằng, việc Mỹ hành động quân sự chống Syria ủng hộ Al-Qaeda và các chi nhánh của tổ chức khủng bố này.
“Canh bạc lớn nhất” của Tổng thống Obama
Trong lúc đó, Tổng thống Barack Obama không chờ Hội đồng Bảo an LHQ phê chuẩn việc tấn công Syria nữa mà chuyển hướng sang cần cái gật đầu của Quốc hội Mỹ. Dự thảo Nghị quyết sẽ được bàn thảo và bỏ phiếu tại Quốc hội Mỹ vào ngày 9-9 tới, sau kỳ nghỉ mùa hè. Dự thảo nhấn mạnh mục đích tiến hành không kích chống Syria nhằm ngăn chặn, làm gián đoạn việc sử dụng vũ khí hóa học hay các vũ khí hủy diệt khác trong tương lai. Cái gật đầu của các nghị sĩ Mỹ xem ra dễ dàng hơn đối với ông, thay vì sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an LHQ. Tại cơ quan quyền lực của LHQ, dù ra sức vận động, thậm chí gây sức ép, nhưng ông Obama cũng khó vượt qua “cửa ải” Trung Quốc và Nga.
Hãng Tân Hoa xã cho hay, hầu hết các nghị sĩ Mỹ dường như tin rằng, Syria đã sử dụng vũ khí hóa học. Song, điều mà họ quan tâm hơn là bản chất và hiệu quả của việc phản ứng bằng vũ lực. Nhưng cũng có những nghị sĩ không muốn quân đội Mỹ can thiệp vào tình hình khủng hoảng ở một nước xa xôi.
Các nhà quan sát gọi đây là “canh bạc lớn nhất” của ông Obama trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình. Nếu Quốc hội nói “không”, thì đây sẽ là thảm họa với người đứng đầu Nhà Trắng. Để có được sự ủng hộ của các nước khác, Tổng thống Obama dự kiến đưa vấn đề Syria ra Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở thành phố St. Petersburg của Nga vào ngày 5 và 6-9. Còn ở trong nước, ông Obama cũng tìm kiếm sự hậu thuẫn của cựu đối thủ - Thượng nghị sĩ John McCain.
Nga: Bằng chứng không thuyết phục
Bảo vệ kế hoạch của ông Obama, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho hay, có bằng chứng cho thấy chính quyền Syria đã sử dụng chất độc thần kinh sarin trong cuộc tấn công ngày 21-8 vừa qua, làm hơn 1.400 người chết, trong đó có 426 trẻ em. “Mỗi ngày trôi qua, vụ việc này càng trở nên trầm trọng hơn”, ông Kerry nhấn mạnh. Sarin là hóa chất nhân tạo, thuộc loại có độc tính cao nhất và tác động nhanh. Theo ông Kerry, Mỹ đã có được các mẫu vật này một cách độc lập, không liên quan đến kết quả điều tra của các thanh sát viên vũ khí hóa học từ LHQ - những người đã rời Syria vào ngày 31-8.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng, thông tin Mỹ cung cấp với Mátxcơva về bằng chứng Chính phủ Syria đứng sau một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học không thật sự thuyết phục. Theo Interfax, Mátxcơva phái tàu do thám Priazovye đến phía đông Địa Trung Hải và tàu này rời căn cứ của Nga trên cảng Sevastopol ở Biển Đen vào tối 1-9 với sứ mệnh “thu thập thông tin về khu vực xung đột leo thang”.
Về phía Mỹ, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Nimitz của Hải quân nước này cũng chuyển hướng về phía tây tới Biển Đỏ sẵn sàng tham gia cuộc tấn công quân sự vào Syria.
Cũng trong ngày 2-9, Pháp trao cho các nghị sĩ bằng chứng về việc Chính phủ Syria dùng vũ khí hóa học. Quốc hội Pháp sẽ bàn thảo vấn đề này vào ngày mai (4-9).
Hãng AP dẫn lời Giám đốc Cơ quan Tỵ nạn của LHQ, ông Tarik Kurdi, ngày 2-9 cho biết 7 triệu người Syria, tức khoảng 1/3 dân số nước này, phải di chuyển chỗ ở do cuộc nội chiến, trong đó có 2 triệu người chạy sang các nước láng giềng. Theo ông Kurdi, 2 triệu trẻ em Syria bị ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc chiến. |
PHÚC NGUYÊN/ĐNO