Giống lúa mới có khả năng chịu mặn
Cập nhật ngày: 24/09/2020 06:01:41
Các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra được một loại gene chi phối khả năng phát triển của bộ rễ cây lúa, có thể giúp tạo ra nhiều giống lúa mới trong bối cảnh nguy cơ xâm nhập mặn ngày một lớn do Trái đất ấm lên, kéo theo triều cường và bão lũ xảy ra thường xuyên.
Cánh đồng lúa tại Nhật Bản
Việc sử dụng gene này giúp định hình sự phát triển của bộ rễ sao cho phù hợp với điều kiện của đất canh tác. Loại gene này được tìm thấy ở một giống lúa của Indonesia, có rễ mọc lan theo bề mặt đất.
Từ năm 2015, nhóm nghiên cứu của Tổ chức Nghiên cứu Lương thực và Nông nghiệp quốc gia Nhật Bản đã theo dõi và so sánh sự phát triển của giống lúa lai giữa lúa Sasanishiki của Nhật với một giống lúa của Indonesia phát triển trên các cánh đồng ngập mặn với giống lúa Sasanishiki tiêu chuẩn.
Kết quả cho thấy, giống lúa lai được cải tiến gene đã giúp tăng 15% năng suất thu hoạch tại các ruộng ngập mặn nhưng không có sự khác biệt khi được gieo trồng trên các ruộng lúa thông thường. Bộ rễ nông giúp cây trồng dễ hấp thụ phốt pho - một dưỡng chất thiết yếu của cây. Do đó, phương pháp cải tiến gene cũng sẽ mang lại lợi ích cho nông dân ở các nước và vùng còn khó khăn trong việc mua phân bón cho cây. Không chỉ vậy, việc tìm ra loại gene này cũng đã mở ra hướng nghiên cứu mới cho các nhà khoa học đối với các loại cây trồng khác, trong đó có ngô và đậu nành - vốn có các gene tương tự chi phối sự phát triển của bộ rễ.
Theo Kyodo, một số nghiên cứu gần đây dự báo tình trạng xâm nhập mặn sẽ tác động tới khoảng 1/2 diện tích đất canh tác trên thế giới vào năm 2050. Việc phát triển thành công giống lúa trên được cho là sẽ giúp Nhật Bản đối phó với việc giải quyết bài toán an ninh lương thực nếu tình trạng xâm nhập mặn diễn ra trên diện rộng tại nước này.
Theo PHƯƠNG NAM (SGGP)