Giải phóng miền Nam trong ký ức Cựu chiến binh Bùi Công Hiếu - Người chỉ huy chiến dịch
Cập nhật ngày: 27/04/2025 12:43:26
ĐTO - Tháng Tư năm 1975, đã khắc sâu vào tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong dòng ký ức hào hùng ấy, Cựu chiến binh Bùi Công Hiếu - người chỉ huy chiến dịch quả cảm, vẫn còn nguyên vẹn những xúc cảm mãnh liệt của những ngày tháng lịch sử.
Ký ức về trận đồn Xẻo Mát oai hùng
Tôi gặp ông Bùi Công Hiếu (sinh năm 1940, tên thường gọi Tư Chóng, quê ở xã Hòa Tân, huyện Châu Thành) vào một buổi chiều, khi những cơn mưa đầu mùa vừa dứt. Nắng vàng dịu nhẹ trải dài trên con đường làng yên bình. Ở tuổi ngoài tám mươi, mái tóc đã bạc trắng, nhưng đôi mắt ông vẫn ánh lên sự kiên nghị và tinh anh của một người chiến sĩ cách mạng. Nhấp một ngụm trà nóng, ông chậm rãi kể về những năm tháng không thể nào quên.
Ông Tư giác ngộ cách mạng từ sớm, tham gia Đồng khởi năm 1960, hoạt động bí mật đến tháng 8/1964. Sau đó, ông giữ các nhiệm vụ: Thư ký Chi bộ xã Hòa Tân, Trưởng Ban giao bưu huyện, Trưởng Văn phòng Huyện ủy (từ tháng 10/1965 - 1967), Trưởng Văn phòng Huyện đội (tháng 10/1966), trợ lý Chính trị Huyện đội (đến hết năm 1968), Chính trị viên phó/Chính trị viên Huyện đội (1969 - 1973).
Trong ký ức binh nghiệp sâu sắc của ông Tư, trận đánh 2 ngày đêm làm tiêu hao quân địch tại Đồn Xẻo Mát đầu năm 1975, thời điểm chuẩn bị cho Chiến dịch giải phóng miền Nam là kỷ niệm khó phai nhất. Theo đó, ngày 2/2/1975, Huyện ủy chủ trương đánh Đồn Xẻo Mát (xã Hòa Tân), nơi địch đóng quân 1 đại đội. Lúc này, lực lượng của ta mỏng (bao gồm lực lượng chi viện của tỉnh Sa Đéc và Vĩnh Long chỉ có khoảng 20 đồng chí), trong khi lực lượng địch khoảng 50 - 60 quân, vì vậy, ta dùng mưu lược để đánh tiêu hao trận địa.
Khoảng 3 giờ khuya ngày 2/2/1975, ta bất ngờ tấn công lô cốt bằng B40. Ban ngày, súng máy phòng không 12 ly 8 liên tục dội lửa, gây thương vong lớn cho địch cố thủ. Quân tiếp viện địch không thể tiếp cận đường bộ, trực thăng thả quân cũng không hạ cánh được do bị ta bao vây, bắn trả. Ngày thứ 2 (ngày 3/3/1975), quân địch điều 2 đại đội đến giải vây. Ta dự đoán và bố trí 2 trận địa phục kích: Đại đội địa phương dọc kênh Lấp và Đại đội độc lập tỉnh ở vàm kênh Lấp bên kia lộ. Trước sự tấn công ào ạt của địch, nhất là việc luồn dưới mương tiến sát vào công sự của ta, ông Tư ra lệnh bắn B40 vào đội hình mười mấy tên địch đang áp sát, diệt 7 - 8 tên, địch hoảng loạn rút lui lúc 15 giờ chiều. “Đó là trận vận động tiến công đánh địch phòng ngự, đánh trong tư thế quân mình ít nhưng chịu được 2 ngày, chặn không cho địch chi viện được Đồn Xẻo Mát và phá tan trận địa Đồn Xẻo Mát”, ông Tư kể.

Ông Bùi Công Hiếu - Tư Chóng (bìa phải) xem lại Huân chương Kháng chiến hạng Nhì - ghi nhận những cống hiến của ông trong cuộc kháng chiến
Từ gian khổ đến ngày giải phóng 30/4/1975
Trong kháng chiến ác liệt, đặc biệt giai đoạn 1969 - 1971, huyện Châu Thành gặp vô vàn khó khăn do địch cô lập, nguồn tiếp tế cạn kiệt. Bộ đội phải tự vào dân tìm lương thực, nhưng khi đến nơi, gặp địch canh giữ nên không tiếp cận dân được. Tình trạng thiếu đói kéo dài, có lúc nhịn 7 ngày, chỉ có chuối cầm cự. Sáng kiến nạo chuối già nấu canh, giúp bộ đội vượt qua cơn đói mà không bị xót ruột, duy trì sức chiến đấu. Dù đói khát, bộ đội vẫn hành quân, ăn rau tai tượng để đỡ khát - thứ “rau bình định” gắn liền với ký ức gian khổ.
Bước ngoặt lịch sử đến, khi huyện Châu Thành quán triệt Nghị quyết của Trung ương về Chiến dịch Hồ Chí Minh, với tinh thần quyết liệt “Tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”. Lúc bấy giờ, khi nghe phổ biến, ai nấy đều không khỏi sững sờ. Với lực lượng vỏn vẹn khoảng 20 - 30 người, việc giải phóng một huyện lớn dường như là một nhiệm vụ vượt quá sức tưởng tượng. Thế nhưng, với ý chí “có bao nhiêu làm bấy nhiêu”, toàn bộ lực lượng đã đồng lòng gạt bỏ nỗi lo ban đầu, quyết tâm tiến lên.
Đêm 29, rạng sáng ngày 30/4/1975, quân ta bất ngờ tấn công Đồn An Phú Thuận. Đồn này đóng tại xã, do lực lượng công an dân vệ trấn giữ. Ta bí mật tiếp cận, bắt đầu đào công sự bao vây đồn từ 20 giờ tối. Đến 3 giờ sáng, một phát súng B40 nhằm vào lô cốt trung tâm, phá tan công sự kiên cố này. Đồn địch còn lại một lô cốt với hỏa lực 12 ly 8. Sáng hôm sau, hễ bóng dáng lính địch xuất hiện, ta lập tức nổ súng, gây cho chúng nhiều thương vong, khiến trực thăng địch không thể tiếp cận để chi viện.
Đến 11 giờ trưa, khi nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, các sĩ quan trong đồn đã điện báo tình hình cho xã trưởng. Ông Tư trực tiếp đến thuyết phục địch hạ vũ khí, trở về với Nhân dân, nhưng chúng vẫn cố thủ, chờ lệnh từ Quận trưởng. Đến 20 giờ tối, phát hiện quân địch có ý định tháo chạy qua sông, quân ta đã nổ súng chặn đứng, khiến chúng bỏ chạy tán loạn và bị tiêu diệt thêm một số. “Vậy là coi như giải phóng, tức là ta đánh được Đồn An Phú Thuận, làm tiêu hao đáng kể lực lượng địch. Cuối cùng, do tình hình chung, chúng phải bỏ chạy” - ông Tư hồi tưởng.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ký ức về những năm tháng chiến tranh vẫn còn in đậm trong trái tim người lính già. Đó vừa là những mất mát, hy sinh không thể nào quên, vừa là niềm tự hào sâu sắc về một thời tuổi trẻ sục sôi nhiệt huyết và tinh thần đoàn kết, bất khuất phi thường. Mỗi khi nhắc lại câu chuyện năm xưa, giọng ông Tư lại trở nên hào hùng và ánh mắt ông rực lên một ngọn lửa quyết thắng.
Tận tâm, trách nhiệm đóng góp xây dựng quê hương
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Tư được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách. Từ Chủ tịch huyện đến Bí thư Huyện ủy Châu Thành, mỗi cương vị đều là một thử thách, nhưng cũng là cơ hội để ông được cống hiến nhiều hơn cho quê hương.
Trong những năm tháng đầu sau chiến tranh, huyện nhà còn bộn bề khó khăn. Bom đạn tàn phá, để lại những vết thương sâu sắc trên cả con người và mảnh đất. Với cương vị là người lãnh đạo, ông Tư đã cùng với chính quyền địa phương tập trung vào công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống Nhân dân. “Ưu tiên hàng đầu lúc bấy giờ là lo cho những gia đình chính sách, những người có công với cách mạng. Rồi đến việc khôi phục sản xuất nông nghiệp, xây dựng lại trường học, trạm y tế... Mọi thứ đều bắt đầu từ con số không, nhưng với sự đồng lòng của người dân, chúng tôi đã từng bước vượt qua” - ông Tư nhớ lại những ngày tháng gian nan nhưng đầy ắp tình người.
Trong suốt những năm tháng lãnh đạo huyện nhà, ông Tư luôn sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến của Nhân dân. Ông thường xuyên đi đến các xóm, ấp, gặp gỡ bà con, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. Nhờ vậy, nhiều chủ trương, chính sách của huyện đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thiết thực.
Với sự tận tâm, trách nhiệm và những đóng góp không ngừng nghỉ, Cựu chiến binh Bùi Công Hiếu đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân huyện nhà. Dù ở cương vị nào, ông luôn là một người lãnh đạo gương mẫu, một người con trung hiếu của Nhân dân. Những năm tháng sau hòa bình, dưới sự lãnh đạo của ông và các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, huyện Châu Thành đã có những bước phát triển vượt bậc, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Tấm gương của ông Bùi Công Hiếu là minh chứng cho sự kiên trung của người cộng sản, cho tinh thần phục vụ Nhân dân vô điều kiện, một phẩm chất cao đẹp để thế hệ trẻ trân trọng học tập và noi theo.
Mỹ Nhân