Khúc tráng ca vọng mãi trong ký ức người chiến sĩ cách mạng
Cập nhật ngày: 26/04/2025 05:17:34

ĐTO - Tháng Tư lịch sử năm 1975 đã đi vào trang vàng dân tộc, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, thống nhất non sông. Đối với những người con của quê hương Đồng Tháp, đặc biệt là những Cựu chiến binh huyện Châu Thành, ký ức về những ngày tháng hào hùng ấy vẫn vẹn nguyên, sống động như vừa mới hôm qua...

Khu lưu niệm căn cứ Tỉnh ủy Vĩnh Long ở vùng chữ V (xã Hòa Tân, huyện Châu Thành)
Ông Nguyễn Văn Quang - Người chiến sĩ kiên cường
Trong căn nhà tình thương nằm nép mình bên dòng sông quê hiền hòa, ông Nguyễn Văn Quang (SN 1951) người mà bà con, hàng xóm vẫn thân mật gọi là Hai Quang, chậm rãi kể về những năm tháng chiến đấu gian khổ. Đôi mắt ông ánh lên vẻ kiên nghị, nhưng cũng không giấu được những thoáng buồn khi nhớ về đồng đội đã ngã xuống. Năm 1968, ông Hai Quang tham gia du kích xã Bình Tiên (nay là xã Tân Bình) đến năm 1970 tham gia địa phương quân huyện và năm 1972 nhận nhiệm vụ cán bộ Trung đội huyện tham gia Chiến dịch “Mùa hè đỏ lửa”.

Ông Nguyễn Văn Quang - Hai Quang (bìa trái) kể về những năm tháng chiến đấu gian khổ, nhưng đầy tự hào của người chiến sĩ cách mạng
“Ngày đó, dù chiến đấu trong tình hình vô cùng ác liệt, nhưng tinh thần anh em cao lắm. Ai cũng một lòng muốn giải phóng huyện nhà, thống nhất đất nước. Gian khổ, thiếu thốn không làm chúng tôi nao núng. Bom đạn kẻ thù càng làm ý chí chiến đấu của chúng tôi thêm mạnh mẽ” - giọng ông Hai Quang trầm ấm, mang theo âm hưởng của những năm tháng lửa đạn.
Từ năm 1970 - 1975, trong 24 trận đánh lớn nhỏ tiến tới giải phóng quận Đức Tôn (huyện Châu Thành ngày nay), ông tham gia và nhớ nhất là trận đánh 4 đồn: Phong Hòa, Bình Tiên, Cả Hạc, Vàm Kinh. Ông Hai Quang kể, trận đó, địch dùng hỏa lực đánh rất dữ dội, chúng còn dùng chiến lược tách dân ra để dễ bề kiểm soát. Trước tình hình đó, Huyện ủy chỉ đạo thực hiện chiến lược chia nhỏ lực lượng từ 2 - 3 đồng chí xuống địa bàn hoặc ở trong dân chiến đấu. Khi địch tấn công vào căn cứ, lực lượng ta từ trong dân tràn ra phản kích tiêu diệt, thu gom súng, kềm, mỏ lết dùng cắt phá hàng rào kềm gai tiêu diệt đồn địch.
Đến Hiệp định Pari (năm 1973), ta ký kết hiệp định nhưng phía bên kia không chấp hành. Phong trào của ta được sự ủng hộ của quốc tế, Nhân dân, thừa thắng xông lên, huyện Châu Thành giải phóng các tuyến phòng thủ do ta xây dựng.
Đến ngày 30/4/1975, đơn vị lớn mạnh lên khoảng 30 chiến sĩ (ban đầu chỉ 5 - 10 người), trực tiếp tiến đánh Tề xã. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Bùi Công Hiếu (Tư Chóng), lực lượng địch ngoan cố quyết giữ Đồn An Phú Thuận, không đầu hàng. Khoảng 11 giờ trưa cùng ngày, nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng. Sau nhiều nỗ lực hòa giải và chiến đấu, đến tối ngày 30/4, lực lượng Đồn An Phú Thuận rút lui, chịu nhiều thương vong. Từ đó, Đồn An Phú Thuận và huyện Châu Thành hoàn toàn được giải phóng.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày tháng Tư lịch sử vẫn sống mãi trong trái tim của Cựu chiến binh Nguyễn Văn Quang. Đó là ký ức về lòng yêu nước nồng nàn, về tinh thần chiến đấu quả cảm, về sự hy sinh cao cả của cả một dân tộc để giành lại độc lập, tự do và thống nhất. Những ký ức ấy sẽ mãi là niềm tự hào và là bài học vô giá cho các thế hệ mai sau.

Đôi mắt ông Nguyễn Văn Thanh - Ba Thanh đượm buồn khi nhớ về đồng đội
Ông Nguyễn Văn Thanh - Người chiến sĩ quân y kiên cường trên tuyến lửa
Về “vùng chữ V”(xã Hòa Tân) - mặt trận nóng bỏng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ở Châu Thành, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Thanh (Ba Thanh) - chiến sĩ quân y tham gia địa phương quân huyện. Ông Ba tham gia du kích năm 1970; năm 1972 ông lên địa phương quân huyện, được đưa đi học lớp y tá. Sau lớp học này, ông tiếp tục tham gia đại đội địa phương quân huyện, kiêm luôn công tác hậu cần và Đại đội đến ngày giải phóng quận Đức Tôn (huyện Châu Thành hiện nay). “Học lớp y tá nhưng chủ yếu tôi tham gia công tác chiến đấu vì quân huyện lúc đó ít” - ông Ba nhớ lại.
Trận đánh Đồn An Phú Thuận (năm 1973) là chiến dịch ác liệt và sinh tử nhất trong ký ức ông. Hai mũi tấn công được triển khai, một mũi do ông đánh ụ bên sông, mũi kia do 2 đồng chí khác đảm nhiệm. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở mũi do mình phụ trách, ông chạy sang xem tình hình mũi bên sông thế nào thì bàng hoàng khi biết đồng chí - người anh bà con của ông đã hy sinh dưới mương nước. “Tôi tiến xuống định đưa thi thể anh về nhưng mới xuống cách 3 - 4m thì bị địch ném lựu đạn dữ dội, suýt mất mạng. Cuối cùng, theo chỉ đạo của Huyện ủy, tôi và đồng đội rút về cứ, đành bỏ lại thi thể người anh - đồng đội lại đó vì đồn bị địch ném bom hủy diệt” - ông Ba kể.
“Ba ngày sau, du kích xã An Phú Thuận mới trở ra tìm xác đồng chí và chôn ở gò đất ngoài đồng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh được đưa về Nghĩa trang tỉnh”, mắt ông Ba đượm buồn khi nhớ về đồng đội.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Ba tham gia một số hoạt động tại địa phương, cùng Cựu chiến binh xã Hòa Tân giúp đỡ những gia đình chính sách và những người có hoàn cảnh khó khăn. Trong ký ức của những người chiến sĩ năm xưa, ông Ba không chỉ là 1 người chiến sĩ can trường mà còn là một chiến sĩ luôn yêu thương và che chở cho đồng đội.
Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Quang và ông Nguyễn Văn Thanh chỉ là 2 trong vô vàn những ký ức xúc động về ngày giải phóng miền Nam của những người con Châu Thành, Đồng Tháp. Họ là những người chiến sĩ kiên cường, những người con trung hiếu đã góp phần xương máu của mình để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Dù thời gian có trôi đi, những dấu ấn của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại vẫn còn in đậm trong tâm trí họ.
Mỹ Nhân