Mỹ tiến sát 'thảm họa' vỡ nợ
Cập nhật ngày: 14/10/2013 07:20:00
Nỗ lực khai thông bế tắc chính trị - tài chính ở Mỹ tiếp tục đổ vỡ trong khi chỉ còn vài ngày là đến thời hạn nâng mức trần nợ công.
Tuần hành kêu gọi giải quyết bế tắc chính trị trước tòa nhà quốc hội Mỹ
Ảnh: Reuters
Ngày 13.10 (giờ địa phương), Thượng viện Mỹ tiếp tục nhóm họp nhằm tìm ra giải pháp đưa chính phủ hoạt động trở lại và nâng mức trần nợ để tránh vỡ nợ, theo AFP. Trước đó, lãnh đạo phe Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện Harry Reid và lãnh đạo phe thiểu số Mitch McConnell thuộc đảng Cộng hòa hôm 12.10 chịu ngồi lại lần đầu tiên kể từ tháng 6 để thảo luận tình trạng bế tắc hiện nay. Tuy nhiên, ông Reid khẳng định hai bên chưa đạt được thống nhất về bất kỳ vấn đề nào.
Hiện nay, giới quan sát hy vọng khai thông bế tắc nằm ở Thượng viện sau khi Tổng thống Barack Obama bác bỏ đề xuất của các hạ nghị sĩ Cộng hòa ở Hạ viện kéo dài thời hạn vay nợ của chính phủ thêm 6 tuần. Tuy nhiên, ông Obama cho rằng sẽ không khôn ngoan nếu đẩy thời điểm hết hạn vay nợ vào đúng mùa mua sắm. Khi đó, không chỉ Mỹ mà cả thị trường toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Quyết định của ông Obama khiến phe Cộng hòa nổi giận và dân biểu Raul Labrador chỉ trích “chính tổng thống đang đóng băng nước Mỹ”.
Bất đồng về vấn đề ngân sách - tài chính giữa phe Dân chủ và Cộng hòa đã khiến chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động đến ngày thứ 13. Nghiêm trọng hơn, nếu hai bên vẫn không thể đồng thuận để thông qua dự luật nâng trần nợ công từ mức 16.700 tỉ USD trước ngày 17.10, Mỹ sẽ chính thức vỡ nợ, gây hỗn loạn cho nền kinh tế nước này và ảnh hưởng đến toàn cầu. Trong các bản tin tài chính của mình, một số hãng truyền thông lớn của Mỹ, chẳng hạn CNN, đã bắt đầu để đồng hồ đếm ngược tới thời điểm “thảm họa” nói trên.
Trước tình trạng này, lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều lên tiếng bày tỏ lo ngại. Chủ tịch WB Jim Yong Kim kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ nhanh chóng chấm dứt khủng hoảng. “Nếu Mỹ vỡ nợ sẽ là thảm họa đối với các nền kinh tế đang phát triển và gây tổn hại nặng nề cho các nước phát triển”, AFP dẫn lời ông Kim cảnh báo. Còn Giám đốc IMF Christine Lagarde so sánh hệ quả của việc Mỹ không thể nâng mức trần nợ và mở lại chính phủ với tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008.
Văn Khoa/Thanh Niên