Singapore, Australia kêu gọi Trung Quốc có tinh thần xây dựng ở biển Đông

Cập nhật ngày: 13/10/2016 08:20:19

Phát biểu trước Quốc hội Australia ngày 12-10, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi Bắc Kinh tham gia đối thoại “một cách xây dựng” với các nước khác, bao gồm cả Mỹ, để giảm bớt căng thẳng ở biển Đông. Cùng ngày, Tòa án tối cao Philippines kêu gọi Chính phủ Philippines nối lại các cuộc tuần tra chung với Mỹ ở biển Đông.


Cuộc tập trận chung Mỹ - Philippines ngày 10-10 tại tỉnh Tarlac

Singapore và Australia cùng quan điểm về biển Đông

Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của cả Singapore và Australia, trong khi Singapore, Australia cũng đều là đồng minh của Mỹ. CNA dẫn lời ông Lý Hiển Long cho rằng, thế giới ổn định và trật tự trong đó các nước lớn và nhỏ có thể phát triển thịnh vượng trong hòa bình. Điều này đòi hỏi một trật tự khu vực cởi mở và toàn diện, nơi tất cả các cường quốc có thể tham gia. Thủ tướng Lý Hiển Long và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cùng bày tỏ quan điểm chung là phản đối mọi hành vi gây hấn ở biển Đông, đồng thời đòi hỏi cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế. 

Theo Washington Post, Australia và Mỹ vừa đạt được thỏa thuận cùng chi 2 tỷ AUD để nâng cấp cơ sở hạ tầng tại TP Darwin của Australia để có thể tiếp nhận 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ. Singapore cũng đồng ý chi 1,25 tỷ AUD để tăng gấp đôi cơ sở huấn luyện binh sĩ tại bang Queensland của Australia, từ đó Australia có thể đào tạo 14.000 binh sĩ Singapore trong vòng 18 tuần mỗi năm. Singapore và Australia thường xuyên tổ chức các cuộc tập quân sự chung. Singapore cũng thường xuyên đón các chiến hạm của Hải quân Mỹ, trong đó có tàu sân bay và tàu ngầm quá cảnh qua khu vực này, trong khi quân đội Singapore hầu hết được Mỹ huấn luyện.

Lo ngại thảm họa hạt nhân trên biển

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục có động thái gây căng thẳng trên biển Đông, tờ South China Morning Post ngày 12-10 cho biết, Bắc kinh đang có kế hoạch triển khai trái phép các nhà máy điện hạt nhân siêu nhỏ trên các đảo tranh chấp ở biển Đông trong vòng 5 năm tới. Báo này dẫn lời các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, mỗi lò phản ứng hạt nhân siêu nhỏ này có công suất 10MW điện, cung cấp cho 50.000 hộ liên tục trong nhiều thập niên mà không cần phải cấp nhiên liệu. Các trạm phát điện hạt nhân có chiều dài 6,1m, chiều cao 2,6m, có thể đặt gọn trong các container. Kỹ thuật này được cho là dựa trên thiết kế lò phản ứng hạt nhân trên các tàu ngầm của Liên Xô những năm 1970. Tờ Global Times cho biết, Bắc Kinh dự kiến sẽ xây dựng 20 nhà máy điện hạt nhân như vậy để tăng cường các nguồn cung cấp điện và nước trên các đảo ở biển Đông.

Một nhà nghiên cứu môi trường biển tại Đại học Hải dương Trung Quốc ở Thanh Đảo bày tỏ lo ngại về những tác động môi trường của lò phản ứng hạt nhân trên biển. Nhiều cá và các sinh vật biển sẽ không thể thích nghi với những thay đổi lớn của môi trường do bị khử muối quá lớn và sự gia tăng của nhiệt độ nước biển do lò phản ứng hạt nhân gây ra. Ngoài ra, nếu một thảm họa hạt nhân xảy ra ở biển Đông, các chất thải phóng xạ sẽ ngấm vào cá và các sinh vật biển khác gây nhiễm xạ cho người ăn. Dòng hải lưu cũng có thể mang các chất thải phóng xạ vào đất liền.

Trong diễn biến liên quan, vài ngày sau khi Philippines chính thức tuyên bố ngừng các cuộc tập trận và tuần tra chung với Mỹ ở biển Đông, Thẩm phán cấp cao Antonia Carpio của Tòa án Tối cao Philippines ngày 11-10 đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Rodrigo Duterte nên thấy vai trò quan trọng của Mỹ ở biển Đông, đồng thời hối thúc chính phủ nối lại hoạt động tuần tra chung ở vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền này. Ông Carpio là khách mời danh dự trong buổi lễ kết thúc cuộc tập trận chung có tên Phiblex giữa Mỹ và Philippines. 

Cuối tháng 9, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố cuộc tập trận chung vào trung tuần tháng 10 sẽ là cuộc tập trận Mỹ-Philippines cuối cùng. Hôm 7-10, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana chính thức thông báo, Philippines sẽ ngưng kế hoạch tuần tra và tập trận chung với Mỹ trên biển Đông.

THỤY VŨ/SGGPO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn