Tam giác vàng chưa yên ổn
Cập nhật ngày: 06/05/2013 07:46:59
Sau thời gian có vẻ yên ắng, tình hình ma túy tại Tam giác vàng lại phức tạp hơn bao giờ hết với các băng nhóm vô cùng hung hãn.
Cảng Chiang Saen thuộc tỉnh Chiang Rai tiếp giáp với Lào
bị xem là cửa ngõ vận chuyển ma túy vào Thái Lan - Ảnh: Minh Quang
Từ thập niên 1950-1960, khu vực biên giới hiểm trở giữa 3 nước Thái Lan, Lào và Myanmar là một trong những trung tâm sản xuất ma túy lớn của thế giới với hỗn danh Tam giác vàng. Với nỗ lực của chính phủ các nước trong khu vực và quốc tế, tình hình tại đây đã được kiểm soát trong một thời gian dài. Tuy nhiên, gần đây, việc trồng và sản xuất ma túy ở Tam giác vàng lại nở rộ, diễn biến thậm chí còn phức tạp hơn lúc trước.
Tội phạm xuyên quốc gia
Ở Tam giác vàng hiện nay, nhiều tổ chức, băng nhóm ma túy vươn vòi bạch tuộc vượt khỏi khu vực và những tên trùm quốc tế cũng đã góp mặt. Trong cuộc họp báo với phóng viên nước ngoài tại Thái Lan mới đây, Phó tổng giám đốc Cơ quan phòng chống ma túy nước này là Sukhum Opasniputh cho hay các băng nhóm ở Tam giác vàng hoạt động ngày càng quy mô và tinh vi. Theo ông, có ít nhất 7 hoặc 8 tổ chức mafia đang thống lĩnh khu vực, bao gồm những nhóm người Myanmar, H’Mong, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Chúng tổ chức vận chuyển ma túy xuyên suốt khu vực và thường xuyên thay đổi phương thức, tuyến đường hòng qua mặt lực lượng chức năng. Ông Sukhum còn cho biết mạnh nhất là các nhóm tội phạm H’Mong. Lực lượng phòng chống ma túy Thái Lan gần như bó tay với nhóm này dù đã dùng nhiều cách để xâm nhập.
Theo giới chức Thái Lan, phần lớn hoạt động buôn lậu ma túy xuất phát từ khu vực biên giới Myanmar. Ma túy từ đây đi theo nhiều đường qua ngả Lào, rồi nhập vào Thái Lan, Trung Quốc trước khi đến những nước tiếp theo. Năm 2012, lực lượng Thái Lan bắt được hơn 82 triệu viên methamphetamin, tăng 66% so với năm trước. Phó thủ tướng Thái Lan Chalerm Yabumrung nhận định nước này đang là “vùng trũng” ma túy trong khu vực ASEAN. Các băng nhóm đều nhắm vào Thái Lan để đưa “hàng trắng” vào tiêu thụ hoặc quá cảnh sang khu vực tiếp theo. Ông Chalerm đã phải lên tiếng cầu viện các nước liên quan vùng Tam giác vàng giúp Thái Lan ngăn chặn từ biên giới.
Các chuyên gia cảnh báo tình trạng buôn lậu ma túy có thể sẽ càng phức tạp khi ASEAN bắt đầu chương trình Cộng đồng kinh tế chung (AEC) vào cuối 2015. Theo đó, bọn tội phạm có thể lợi dụng việc các nước mở rộng cửa biên giới và tạo điều kiện giao thương để tuồn ma túy luồn vào từng ngõ ngách. Vì vậy, việc liên kết, phối hợp ngăn chặn ma túy luôn là một nội dung rất được quan tâm tại các kỳ họp của ASEAN.
Thẳng tay thảm sát
Không chỉ sản xuất và buôn bán ma túy, các nhóm tội phạm ở Tam giác vàng còn nhúng tay vào cướp bóc, tống tiền, giết người… Hồi tháng 3.2013, Trung Quốc đã tử hình trùm ma túy người Myanmar Naw Kham vì vụ thảm sát 13 thủy thủ người Trung Quốc hồi năm 2011. Naw Kham và đồng bọn đã chặn cướp 2 tàu hàng Trung Quốc trên sông Mê Kông rồi xử bắn toàn bộ người trên tàu và vứt thi thể xuống một đoạn sông chảy qua tỉnh Chiang Rai, miền bắc Thái Lan. Theo giới chức các nước, đã xảy ra hàng chục vụ tương tự từ khi Trung Quốc đẩy mạnh giao thương biên giới với Myanmar, Lào và Thái Lan qua đường thủy trên sông Mê Kông. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng rất lo ngại làn sóng ma túy mới từ Tam giác vàng tràn vào thông qua đường thủy và đường bộ.
Theo trang tin World Net Daily, Tam giác vàng có diện tích khoảng 350.000 km2, là nơi tiếp giáp của miền bắc Thái Lan, đông Myanmar và tây Lào với địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở. Do đặc điểm địa lý cũng như tính “nhạy cảm” của khu vực biên giới, sự kiểm soát của chính phủ các nước đối với nơi này tương đối hạn chế.
Đến nay, Khun Sa vẫn là trùm tội phạm khét tiếng nhất trong lịch sử Tam giác vàng. Làm chủ một “đế chế” rộng lớn trong hàng chục năm trời với một đội quân riêng, Khun Sa từng đóng vai trò là nguồn cung ma túy lớn vào Mỹ và nuôi mộng lập nhà nước riêng độc lập với chính phủ Myanmar. Ông ta đầu hàng năm 1996, được ân xá và qua đời ở Yangon vào năm 2007 ở tuổi 73, theo BBC. |
Theo Minh Quang/TNO