Viếng đền Yasukuni: Mâu thuẫn khó giải quyết
Cập nhật ngày: 19/10/2013 08:20:18
Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn chưa có tiếng nói chung về việc Thủ tướng Nhật Abe thăm viếng đền Yasukuni.
Đền Yasukuni (Ảnh: Wikipedia)
Ngày 17/10, Lễ hội mùa Thu được bắt đầu tại ngôi đền Yasukuni, Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không thực hiện chuyến viếng thăm ngôi đền này, thay vào đó, ông đã gửi đồ cúng lễ đến viếng đền.
Đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gửi đồ cúng tới viếng ngôi đền này mà đã là lần thứ 3. Qua hành động này, giới phân tích cho rằng có lẽ Thủ tướng Shinzo Abe đang “lo ngại” về mối quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ thêm căng thẳng.
Ngoài vấn đề viếng đền Yasukuni, Nhật Bản đang căng thẳng với Trung Quốc quanh vấn đề tranh chấp đảo trên vùng biển Hoa Đông cụ thể là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, găy gắt với Hàn Quốc xung quanh quần đảo Takeshima/Dokdo.
Lo ngại gây cẳng thẳng với Trung Quốc và Hàn Quốc?
Báo Asahi, Nhật Bản ngày 17/10 trong bài bình luận cho rằng, việc Thủ tướng Abe không viếng đền Yasukuni nhiều khả năng do lo ngại về quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã phủ nhận việc này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai-young cho rằng, hành động của Thủ tướng Abe không phải vì lo ngại gây “bất hòa” với Hàn Quốc, và toàn thể nhân dân Hàn Quốc cũng chung suy nghĩ đó.
Báo Asahi cũng nhấn mạnh, ngoài nguyên nhân trên, Thủ tướng Abe không tới viếng đền Yasukuni là do đang phải lo đối phó với bão lũ gây thiệt hại nặng nề tại một số địa phương của Nhật Bản.
Trong khi đó, Kênh truyền hình Fuji, Nhật Bản đã dẫn lời của Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga rằng: “Việc Thủ tướng quyết định không đến viếng đền Yasukuni nhân dịp Lễ hội mùa Thu là một quyết định mang tính đại cục. Trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng sẽ không từ bỏ việc thăm viếng đền Yasukuni”.
Báo Keizai, ngày 17/10 cũng dẫn lời một thân cận của Thủ tướng Abe tiết lộ, sau Lễ hội mùa Thu, nhiều khả năng Thủ tướng sẽ tiến hành viếng đền Yasukuni.
Cùng với nhận định của báo chí, giới phân tích Nhật Bản cũng nhận định rằng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn sẽ tiếp tục viếng thăm đền Yasukuni trong suốt nhiệm kỳ của mình. Đây là hành động của ông Abe nhằm thực hiện lời hứa trước dân chúng Nhật Bản khi ông trở thành Thủ tướng Nhật vào cuối năm 2012.
Mâu thuẫn khó giải quyết
Hành động của Nhật Bản đã gây lo ngại cho Trung Quốc và Hàn Quốc – hai nước vốn đã bất đồng với Nhật Bản về vấn đề này trong nhiều năm qua.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai-young tỏ ý lo ngại đến việc Thủ tướng Abe đã gửi đồ viếng tới đền Yasukuni, đồng thời nhấn mạnh: “ Các chính trị gia Nhật Bản cần nhận thức đúng lịch sử trong quá khứ để gây dựng lòng tin của các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế”.
Ông cũng tỏ ý tiếc khi các nghị sĩ Nhật Bản tiếp tục đến viếng đền Yasukuni và hy vọng Nhật Bản sẽ chấm dứt hành động này.
Ông Cao Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc phân tích rằng, việc Thủ tướng Abe không đi viếng đền Yasukuni mà dừng lại ở việc gửi đồ lễ viếng không thể hiện đúng bản chất của sự việc. Đây chỉ là hành động tức thời khi Thủ tướng Nhật Bản Abe gần đây bị sức ép ngoại giao của Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ông Cao Phúc nói: “Theo ý kiến của tôi, Trung Quốc đã truyền đi một thông điệp rất rõ ràng rằng, Trung Quốc luôn giữ lập trường phản đối việc Thủ tướng Abe viếng thăm đền Yasukuni ‘’.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc trước đó cũng đã có những cảnh báo về việc Thủ tướng Abe viếng đền Yasukuni, đồng thời nhấn mạnh rằng việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc”.
Hơn thế nữa, Mỹ - đồng minh thân cận của Nhật cũng không mong muốn quan hệ Trung-Hàn-Nhật xấu đi vì vấn đền viếng thăm đền Yasukuni.
Không chỉ Thủ tướng Nhật Bản Abe tới thăm đền Yasukuni, ngày 18/10, Bộ trưởng Nội vụ Nhật Bản Shindo cũng đã tiến hành thăm viếng đền Yasukuni. Điều này giống như “thêm dầu vào lửa”, khiến dư luận lo ngại về căng thẳng mới giữa Nhật-Trung-Triều.
Một đảng đối lập của Hàn Quốc phản ứng gay gắt việc viếng thăm này của Bộ trưởng Nội vụ Shindo và cho rằng đây là “hành vi vô trách nhiệm trong việc mĩ hóa lịch sử chiến tranh xâm lược”.
Đảng đối lập này cũng lên tiếng yêu cầu Nhật Bản nên có những “động thái” nhằm ngăn chặn việc thăm viếng đền Yasukuni gần đây gia tăng của các nghị sĩ Nhật Bản, đồng thời yêu cầu chính phủ Hàn Quốc có những biện pháp mạnh hơn đối với hành động này của Nhật Bản.
Cùng với những phản ứng của Hàn Quốc, Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối việc viếng thăm đền Yasukuni của nội các và các nghị sĩ Nhật Bản gia tăng trong thời gian gần đây. Phản ứng của Trung Quốc không phải là lần đầu mà thường xuyên. Lần này người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh vẫn phê phán Nhật Bản đã không “tôn trọng sự thật lịch sử”.
Bà Hoa Xuân Doanh nói: “Trung Quốc vẫn không thay đổi lập trường về vấn đề viếng thăm đền Yasukuni của Nhật Bản. Nhật Bản cần tôn trọng lịch sử, không nên quay lưng lại lịch sử. Nhật Bản cần xử lý nghiêm túc vấn đề này”.
Động thái của Nhật Bản và những phản ứng của Trung Quốc, Hàn Quốc cho thấy vấn đề liên quan tới việc viếng thăm đền Yasukuni không dễ giải quyết. Trong khi Nhật Bản cho rằng ngôi đền này chỉ là nơi tưởng niệm hơn 2 triệu người Nhật Bản đã chết trong chiến tranh. Tuy nhiên, Trung Quốc và Hàn Quốc lấy cớ trong số đó có 14 tội phạm chiến tranh, do vậy, ngôi đền là nơi tượng trưng cho chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.
Với những lập trường khác nhau như vậy, Nhật-Trung-Triều, trong thời gian tới đây khó có thể giải quyết vấn đề này một cách thỏa đáng. Hơn thế nữa, biện pháp giải quyết cũng khó có thể đưa ra khi các bên vẫn cứ đơn phương thực hiện lập trường của mình./.
Theo VOV