Bệnh đau mắt đỏ và cách phòng, chống

Cập nhật ngày: 25/04/2016 12:06:48

Đau mắt đỏ là một danh từ dân gian quen dùng để chỉ tình trạng viêm kết mạc do nhiễm khuẩn, virut, viêm dị ứng gây ra.

Người bị đau mắt đỏ thường có những biểu hiện như: mắt đau rầm rộ, cộm, cảm giác như có cát trong mắt; chảy nước mắt và có nhiều rỉ, có khi sáng ngủ dậy rỉ làm mi mắt dính chặt; mi mắt sưng nhẹ, hơi đau, kết mạc sưng phù, đỏ. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt, sau vài ba ngày đến mắt thứ hai; kèm theo có thể ho, sốt nhẹ, nổi hạch trước tai (hay gặp ở trẻ em). Truờng hợp nặng có thể gây tổn thương giác mạc (tròng đen), khi đó thị lực có thể giảm.

Bệnh có thể lây lan bằng cách nào?

- Lây qua vật dụng sinh hoạt: dùng khăn hoặc chậu rửa mặt chung; dùng tay dụi mắt, sau đó dùng chung đồ vật với người khác (hay gặp trong gia đình hoặc các nhà trẻ mẫu giáo).

- Lây qua môi trường bể bơi, không khí.

- Lây qua vật trung gian là ruồi/ nhặng.

- Lây qua đường nước bọt.

 - Lây qua đường hơi thở.

Bệnh có thể gây ra những hậu quả gì?

Bệnh hầu hết khỏi hoàn toàn trong vòng 1 - 2 tuần không để lại di chứng. Tuy nhiên, có thể gây ra một số hậu quả: có thể bị bội nhiễm, tổn thương giác mạc như viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc chấm nông gây giảm thị lực kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động; có thể lây lan thành dịch.

Cách phòng tránh:

Đau mắt đỏ là bệnh lây truyền nên dễ thành dịch. Bệnh lây lan do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh, qua tay, qua những vật dụng hàng ngày như: khăn rửa mặt, đồ dùng, bát ăn, ly tách, ra gối, mùng màn... Do đó, để tránh lây lan thành dịch, cần thực hiện một số vấn đề cơ bản như sau:

- Thường xuyên rửa mặt 3 lần/ ngày bằng nước sạch, khăn sạch, tốt nhất giặt khăn bằng xà phòng, phơi khăn ngoài nắng, giữ vệ sinh môi trường.

- Cần tránh đưa tay bẩn lên mắt, nên đeo kính râm khi ra đường. Sau một ngày lao động có tiếp xúc với bụi bẩn, sau khi tổng vệ sinh gia đình, cơ quan nên rửa mặt sạch rồi tra vào mắt một vài giọt nước nhỏ mắt Natri Clorid 0,9%, rửa mặt bằng khăn sạch, nước sạch.

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng để diệt khuẩn.

Khi đang có dịch, người bệnh cần lưu ý không nên tự ý dùng thuốc dễ dẫn đến trường hợp gây biến chứng. Tốt nhất là ngay khi có các triệu chứng đầu tiên, người bệnh cần tìm đến khám bác sĩ nhãn khoa. Người bệnh cần được nghỉ ngơi, điều trị cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc nhãn khoa, hạn chế đi lại để tránh lây lan cho cộng đồng. Nếu có đi lại cần đeo kính râm để mắt bớt bị chói và tránh lây nhiễm cho người khác. Khi bị bệnh cần chú ý giữ vệ sinh để tránh lây sang mắt kia (rửa tay, dùng khăn giấy mềm lau một lần).Trong thời gian bị đau mắt, người bệnh nên nghỉ ngơi tại nhà, không làm việc bằng mắt nhiều, như đọc sách báo, xem tivi, nên để mắt được thư giãn. Người chưa mắc bệnh cần hạn chế tối đa tiếp xúc với người bệnh. Trong truờng hợp bắt buộc phải tiếp xúc thì nên có khẩu trang. Ngoài ra, cũng cần tránh thói quen dụi mắt bằng tay, phải thường xuyên rửa mắt bằng nước muối sinh lý, rửa tay bằng xà phòng xát khuẩn.

TTTT-GDSK

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn