Tác hại của hút thuốc lá đối với thai nhi và trẻ sơ sinh
Cập nhật ngày: 08/04/2016 12:41:13
Khi thai phụ hút thuốc lá
Theo Vinacosh, hút thuốc làm tăng nguy cơ thai chết lưu do hút thuốc gây các biến chứng ở rau thai và hút thuốc làm thai nhi phát triển chậm trong tử cung. Ở những người hút thuốc thì nguy cơ sinh trẻ nhẹ cân cao gấp 3,4 - 4 lần. Trọng lượng khi sinh thấp là một yếu tố nguy cơ quan trọng cho sức khỏe trẻ mới sinh và thậm chí còn gây những biến chứng muộn sau này. Hút thuốc làm thiếu oxy, giảm dòng máu đến tử cung, giảm vận chuyển các axit amin qua rau thai và làm giảm kẽm (một chất khoáng quan trọng trong quá trình phát triển).
Những thai phụ có HIV dương tính thì có thể lây sang cho con, nhưng ở những phụ nữ có hút thuốc thì tỉ lệ này cao hơn.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, ở những thai phụ hút thuốc trên 1bao/ngày khi mang thai thì nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao gấp 1,6 - 2,3 lần so với người không hút thuốc.
Các bà mẹ hút thuốc khi mang thai làm cho con của họ có nguy cơ bị dị ứng cao gấp 3 lần so với con của các bà mẹ không hút thuốc.
Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ quan trọng trong hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Khoảng 30% những trường hợp chết đột ngột ở trẻ sơ sinh có thể phòng bằng cách cha mẹ chúng bỏ hút thuốc lá.
Con của những người hút thuốc thường có khó khăn trong nhận thức, rối loạn hành vi và giảm khả năng học tập ở trường. Các nhà nghiên cứu cho rằng, các ảnh hưởng đó là do thuốc lá gây giải phóng vào trong máu những chất làm tổn thương hệ thống thần kinh trung ương; những đứa con của những người có hút thuốc trong thời kỳ mang thai thì tỉ lệ chậm phát triển trí tuệ tăng hơn 50% so với người không hút thuốc và tăng 70% ở những người hút từ 1 bao/ngày trở lên...
Khi trẻ em hút thuốc thụ động
Theo Vinacosh, trẻ em hút thuốc thụ động có nguy cơ lớn bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới, bao gồm viêm phế quản và viêm phổi. Các chuyên gia ước tính mỗi năm khoảng 150.000-300.000 trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản hoặc viêm phổi có liên quan đến thuốc lá. Những trẻ dưới 1 tuổi là con của những người hút thuốc bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi những người không hút thuốc. Thêm vào đó, con của những người hút thuốc bị nặng hơn và thường phải nằm viện lâu hơn 20% thời gian so với con người không hút thuốc.
Người cha hút thuốc và đặc biệt là người mẹ hút thuốc cũng làm tăng tỉ lệ mắc và mức độ nặng của hen. Những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc đòi hỏi nhiều chăm sóc y tế hơn và nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ trong gia đình không có người hút thuốc. Trên thế giới có khoảng 200.000 - 1 triệu trẻ em bị hen đang phải chịu những tác động xấu do cha mẹ chúng hút thuốc.
Tiếp xúc với khói thuốc cũng làm tăng nguy cơ bị viêm tai mạn tính và tiết dịch tai giữa. Viêm tai giữa không chỉ gây nên gánh nặng về kinh tế mà còn gây điếc cho những cuộc đời còn dài của những đứa trẻ. Điếc khi trẻ còn rất nhỏ rất dễ gây nên câm và không có khả năng học tập.
Những trẻ em có phơi nhiễm với môi trường khói thuốc hay bị viêm họng, viêm tắc mũi, khàn tiếng và bị cúm hơn những đứa trẻ không phơi nhiễm.
Cẩm Lụa