Cách chăm sóc trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật ngày: 30/11/2015 12:26:02

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh dịch nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh. Người bị SXH, đặc biệt là trẻ em, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Phóng viên (PV) Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với bác sĩ (BS) Ngô Thị Kiều Nga, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp về chăm sóc sức khỏe trẻ mắc SXH.


Bác sĩ Ngô Thị Kiều Nga

- PV: Xin bác sĩ cho biết, khi trẻ mắc SXH được uống những loại nước gì và uống như thế nào là hợp lý?

* BS Ngô Thị Kiều Nga (N.T.K.N.): Khi sốt, trẻ dễ bị mất nước, cùng với triệu chứng mệt mỏi, kém ăn, kém uống làm cho trẻ dễ thiếu nước, vì vậy chúng ta nên chú ý cho trẻ uống thật nhiều nước. Lượng nước dùng đối với trẻ dưới 5 tuổi khoảng 500 - 1.500ml/ngày, trẻ trên 5 tuổi khoảng 2.000 - 2.500ml/ngày. Các loại nước mà trẻ thích đều dùng được như: nước cam, dừa, chanh, nước suối, nước sôi để nguội. Nên thay đổi các loại nước khác nhau để trẻ không thấy chán. Đối với nước dừa tươi, trẻ em bị SXH nên uống nhiều để bổ sung chất điện giải, chất khoáng bị mất do cơ thể mất nước. Nước rau củ ép, nước hoa quả đều tốt cho trẻ em bị SXH. Các chuyên gia nói rằng, nước rau ép nguyên chất có thể cung cấp những dưỡng chất cơ bản và giúp phục hồi nhanh chóng. Trẻ em bị SXH cần bổ sung thêm nhiều vitamin C để tăng hệ miễn dịch. Trái cây giàu vitamin C là dâu tây, ổi, kiwi, đu đủ, giúp sản xuất các tế bào lympho. Vitamin C cũng có ảnh hưởng trực tiếp lên các vi khuẩn, vi-rút. Việc cho trẻ uống nước đầy đủ là điều rất cần thiết vì bệnh SXH thường làm máu bị cô đặc lại, rất khó lưu thông, là nguyên nhân chủ yếu gây ra biến chứng sốc. Chú ý cho trẻ uống nước từ từ, thong thả vì việc uống quá nhanh, quá nhiều cùng một lúc có thể sẽ gây nôn, đầy bụng.

- PV: Trẻ cần được chăm sóc dinh dưỡng như thế nào khi mắc bệnh SXH?

* BS N.T.K.N.: Khi mắc bệnh SXH, trẻ thường chán ăn, mệt mỏi, hay ói, đau bụng. Ta nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, nhẹ, dễ tiêu, không nên cho trẻ uống những loại nước có màu đỏ, nâu, đen, hay ăn huyết heo, huyết vịt hoặc nước xá xị, nước trái cây sậm màu, nước củ dền, dưa hấu (vì trong trường hợp nếu cháu ói sẽ không phân biệt chất ói là máu hay thức ăn có màu). Tránh ăn những thức ăn quá nhiều dầu mỡ dẫn đến trẻ đầy bụng - khó tiêu. Không nhất thiết bắt trẻ chỉ ăn cháo, có thể ăn súp, nui, mì,... theo ý thích của cháu. Không bao giờ được ăn no quá. Thực phẩm giàu chất đạm (protein) như trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa không thể thiếu vào thời điểm này.

Khi trẻ đang cố gắng chống chọi với vi-rút chết người này, thực phẩm tốt nhất là cháo. Ăn cháo giúp tăng sức lực, đẩy lùi bệnh tật. Cha mẹ bé cũng cần lưu ý việc chẩn đoán bệnh SXH rất khó và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Vì vậy, cách tốt nhất khi thấy trẻ có biểu hiện sốt cao từ 2 ngày trở lên và xuất huyết thì cha mẹ cần nghĩ ngay đến bệnh SXH và đưa trẻ đến cơ sở y tế theo dõi, không nên tự ý mua thuốc uống.

- PV: Trong quá trình điều trị SXH cho trẻ, người nhà cần làm gì để việc điều trị đạt hiệu quả cao?

* BS N.T.K.N.: Không có thuốc điều trị đặc hiệu của bệnh SXH. Chỉ có thuốc hạ sốt và một ít thuốc bổ được thầy thuốc cho bệnh nhân dùng tại nhà. Thuốc hạ sốt chỉ dùng loại không ảnh hưởng xấu đến dạ dày hoặc làm tăng nguy cơ chảy máu. Thuốc dùng an toàn là Paracetamol, sử dụng liều lượng theo hướng dẫn, ngày dùng khoảng 4 lần khi bệnh nhân có sốt. Kết hợp với lau nước ấm nếu bệnh nhân sốt quá cao (trên 390C). Các thuốc hạ sốt như Ibuprofen, Aspirin không được dùng, vì rất có hại cho bệnh nhân SXH.

Phụ huynh nên đưa trẻ tái khám hàng ngày, có khi nhiều lần trong ngày, tuân thủ thực hiện các lời dặn của thầy thuốc, không nên tự ý ngừng tái khám, vì có những trường hợp các cháu hết sốt là biểu hiện của bệnh SXH đang trở nặng. Có 5 dấu hiệu trẻ trở nặng, người nhà cần nhận biết sớm để đưa con đến bệnh viện ngay khi thấy các biểu hiện như: lừ đừ, li bì hoặc bứt rứt, ói nhiều, đau bụng nhiều, xuất huyết, tay chân mát, lạnh. Chỉ cần trẻ có 1 trong 5 dấu hiệu trên thì chúng ta phải đưa đến bệnh viện gần nhất. Thực tế trong những trường hợp bệnh có dấu hiệu trở nặng, các bà mẹ hay bỏ qua, tưởng cháu bị đau bao tử hay ăn không tiêu nên tiếp tục để tại nhà, khi đưa vào bệnh viện thì đã quá muộn, điều trị vô cùng khó khăn.

Điều trị SXH là sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình bệnh nhân và thầy thuốc, trong đó vai trò của người chăm sóc trực tiếp các cháu nói chung, của người thân nói riêng là hết sức quan trọng, góp phần bảo vệ sức khỏe của các cháu một cách tốt nhất.

- PV: Xin cám ơn bác sĩ!

Hữu Nghĩa (Thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn