Điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS - Hiệu quả và những khó khăn trong thời gian tới

Cập nhật ngày: 16/11/2015 12:14:28

Ở tỉnh ta, tính đến tháng 8/2015, số bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV tại các phòng khám ngoại trú là 1.085 người (997 người lớn và 88 trẻ em).


Phát thuốc cho bệnh nhân HIV/AIDS

Hiệu quả mà ARV mang lại cho bệnh nhân HIV/AIDS là rất lớn, ức chế sự nhân lên của vi rút và kìm hãm lượng vi rút trong máu ở mức thấp nhất; phục hồi chức năng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội; cải thiện chất lượng cuộc sống và tăng khả năng sống sót cho người bệnh, giúp cho bệnh nhân HIV/AIDS có cuộc sống như người bình thường.

Đồng Tháp triển khai điều trị ARV từ năm 2006. Có rất nhiều bệnh nhân được điều trị ARV lúc mới triển khai đến nay vẫn làm việc, học tập, sinh hoạt như bao người bình thường khác. Anh N.V.B. (SN 1980) ở xã Tân Quới, huyện Thanh Bình là một ví dụ về sự thành công của việc điều trị ARV sớm. Năm 2006, khi bạn bè thấy da dẻ, diện mạo, cân nặng của anh ngày một xuống nên khuyên anh đi xét nghiệm tìm kháng thể HIV tại Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh. Anh kể: “Khi cầm kết quả xét nghiệm HIV dương tính trong tay, tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với mình. Khi biết tôi bị nhiễm HIV thì vợ cùng với đứa con nhỏ bỏ đi biệt tăm. Và từ ấy, một mình tôi đối diện với thực tế phủ phàng. Nhiều lúc tôi muốn chết đi cho xong. Thế nhưng, được sự an ủi của người thân, bè bạn và các y, bác sĩ ở Trạm Y tế xã hướng dẫn đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Đồng Tháp để làm các thủ tục, hồ sơ điều trị ARV. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã giới thiệu tôi về Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp làm thủ tục điều trị và nhận thuốc ARV tại phòng khám ngoại trú của bệnh viện”.

Được biết, khi chưa điều trị ARV thì tinh thần và thể chất của anh B. không tốt, sức khỏe ngày càng yếu, số lượng tế bào CD4 rất thấp, chỉ còn 120 tế bào/mm3, thường xuyên mắc các bệnh: sốt, ho, ngứa ngáy toàn thân, ăn uống không được nhiều, cân nặng chỉ còn 45kg. Khi anh được điều trị ARV một thời gian, sức khỏe và tinh thần của anh cải thiện đáng kể. Hiện tại, sức khỏe của anh B. rất ổn định, ăn uống và sinh hoạt như bao người bình thường khác, tinh thần lạc quan yêu đời hơn.

Thuốc ARV mang lại rất nhiều niềm vui cho bệnh nhân HIV/AIDS. Thuốc ARV ở Việt Nam do nhiều nguồn cung cấp khác nhau, nhưng phần lớn là do các tổ chức quốc tế tài trợ như Quỹ Toàn cầu, Quỹ Clinton... Tuy nhiên, trong thời gian tới nguồn thuốc ARV từ các tổ chức quốc tế tài trợ cho Việt Nam sẽ bị cắt giảm nhanh và chấm dứt tài trợ. Vấn đề này sẽ gây khó khăn cho Anh N.V.B. cũng như hơn 1000 bệnh nhân HIV/AIDS ở Đồng Tháp (từ trước đến giờ được sử dụng thuốc ARV hoàn toàn miễn phí) trong việc tiếp cận với thuốc ARV.

Ngày 26/6/2015, Bộ Y tế đã ban hành thông tư số 15/2015/TT-BYT về hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người nhiễm HIV/AIDS và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS. Như vậy, BHYT là giải pháp hữu hiệu cho bệnh nhân HIV/AIDS trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, bệnh nhận HIV/AIDS có thẻ BHYT ở Đồng Tháp chiếm khoảng 30%. Nhận thức được vấn đề này, thời gian qua, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Đồng Tháp đã tích cực tuyên truyền, vận động, tư vấn để bệnh nhân HIV/AIDS chủ động mua BHYT. Là người trực tiếp tư vấn cho bệnh nhân HIV/AIDS mua BHYT, BSCK 1 Đoàn Văn Hợp - Trưởng Khoa Quản lý điều trị, Trung tâm Phòng, Chống HIV/AIDS tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Phần lớn bệnh nhân HIV/AIDS ở Đồng Tháp có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nghèo, thu nhập không ổn định, vì vậy khoản tiền mua BHYT cũng là trở ngại đối với họ. Mặt khác, ở Đồng Tháp, các phòng khám ngoại trú HIV/AIDS đều đặt ở khoa nhiễm của các bệnh viện tuyến tỉnh nên cũng gây khó khăn cho bệnh nhân HIV/AIDS khi khám và điều trị bệnh bằng BHYT; sự kỳ thị phân biệt đối xử trong xã hội đối với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn lớn, nên bệnh nhân HIV/AIDS vẫn còn sợ khi bị lộ thông tin, danh tính.

Trong thời gian tới, BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS ở Đồng Tháp sẽ gặp rất nhiều thách thức. Chính vì vậy rất cần sự hỗ trợ kinh phí từ các cơ quan chức năng cũng như cộng đồng xã hội để bệnh nhân HIV/AIDS chủ động mua BHYT; công tác truyền thông chống sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS cần được tăng cường; tích cực, chủ động, tuyên truyền, về lợi ích của BHYT đến bệnh nhân HIV/AIDS; các cấp, các ngành, các cơ quan có liên quan cùng trao đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp tối ưu để bệnh nhân HIV/AIDS tích cực, chủ động tham gia BHYT.

Thanh Hùng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn