Thiếu vitamin A và bệnh khô giác mạc
Cập nhật ngày: 11/05/2015 07:06:09
Vitamin A rất quan trọng với sự phát triển thể chất của trẻ. Vitamin A giúp trẻ tăng cân nhanh, phát triển về chiều cao, tăng chuyển hóa các chất, giúp quá trình biệt hóa các tế bào, tăng cường hệ miễn dịch...
Thiếu vitamin A sẽ làm cho lớp thượng bì của da dễ bị sừng hóa, bong vảy và tróc ra làm phá hàng rào bảo vệ điều kiện cho nhiễm trùng tại chỗ. Vì vậy, trước đây khi nói tới thiếu vitamin A người ta chỉ nghĩ tới bệnh khô mắt, nhưng hiện nay qua nhiều nghiên cứu cho thấy, những trẻ thiếu viamin A rất dễ bị nhiễm trùng da, hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, tiết niệu...
Đối với thị giác, vitamin A cần để chuyển hóa Rhodopsin và Iodopsin của tế bào que và tế bào nón của võng mạc để giúp trẻ nhìn tốt ánh sáng bên ngoài và giúp trẻ phân biệt các màu sắc, thiếu vitamin A ở mắt có thể mù lòa.
Trên thế giới có 76 quốc gia đang gặp phải vấn đề thiếu vitamin A làm tỷ lệ tử vong tăng 20-30%. Ước tính có 2,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi có triệu chứng lâm sàng thiếu vitamin A và thiếu vitamin A tiềm tàng. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 1997, Việt Nam tình hình quáng gà ở phụ nữ có thai là 3,7% và phụ nữ cho con bú 1,5%. Đây là một bệnh chiếm tỷ lệ đáng kể ở trẻ dưới 5 tuổi ở nước ta, mà hậu quả là gây mù lòa vĩnh viễn, là một gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thiếu vitamin A không những gây bệnh ở mắt mà còn gây cho trẻ chậm phát triển, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như: viêm phổi, tiêu chảy, nhiễm trùng da và dẫn đến tử vong. Ngoài ra, thiếu vitamin A còn đi kèm với suy dinh dưỡng.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ dẫn đến thiếu vitamin A:
Do cung cấp thiếu và nhu cầu cao (phụ nữ có thai, cho con bú); trẻ không được bú sữa non trong giờ đầu sau sanh, không bú sữa mẹ; mẹ thiếu sữa hoặc mất sữa được thay thế bằng nước cháo hoặc sữa có đường rất ít vitamin A; trẻ cữ mỡ dầu, nhất là trẻ dưới 3 tuổi; mẹ chưa biết cho trẻ ăn dặm và đủ chất; trẻ bị bệnh nhiễm trùng, sởi, tiêu chảy kéo dài...; trẻ sinh đôi, sinh ba hay gia đình đông con.
Đối với trẻ thiều vitamin A thì biểu hiện sớm nhất của trẻ là quáng gà, là hiện tượng giảm thị lực trong điều kiện thiếu ánh sáng, trẻ thường nhút nhát lúc chập tối, chỉ ngồi tại chỗ, đi lại phải lần vách, dễ bị vấp té, nhận nhầm người thân... Ngoài quắng gà, còn có những biểu hiện thiếu vitamin A như: khô kết mạc, loét nhuyễn giác mạc, khô giác mạc...Biểu hiện khô giác mạc như: sợ ánh sáng, chói mắt hay nheo mắt, nhắm mắt khi ra ánh sáng, giác mạc sần sùi mất tính nhẵn bóng, giác mạc bị trợt do khô, giác mạc bị mờ đục...
Tỉ lệ tử vong tăng cao ở những nhóm trẻ mắc 2 bệnh cùng lúc thiếu vitamin A và nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng đường hô hấp. Do đó, để hạn chế tỷ lệ tử vong cũng như di chứng các bậc cha mẹ cần tránh tập quán sai lầm như: kiêng cữ không cho trẻ ăn mỡ dầu, cữ ăn các chất có nhiều vitamin A và trong chế độ ăn mất cân đối giữa đạm, đường, mỡ. Các bậc phụ huynh phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ hết hoàn toàn, không để lại di chứng; cần mang trẻ đến cớ sở y tế để uống vitamin A dự phòng.
Cẩm Lụa