Vệ sinh thực phẩm trong ngày Tết
Cập nhật ngày: 19/01/2015 06:22:45
Những ngày cận Tết và Tết là thời gian mà nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm bùng phát và gia tăng, vì vậy nguy cơ thực phẩm không bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thời gian này là rất lớn. Cũng chính vì thế, công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết phải được đặc biệt quan tâm và lưu ý.
Thời gian qua, chúng ta đã nghe quá nhiều thông tin về các loại thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu công nghiệp có hại cho sức khỏe, điển hình như các sản phẩm: hạt dưa, bột ớt và bột phẩm màu công nghiệp có chứa Rhodamin B, bánh phở, chả giò chứa hàn the, rau củ quả có dư lượng chất bảo vệ thực vật, rượu tự nấu hoặc tự pha chế, làm giả chứa nhiều methanol gây chết người, hay các loại gạo tẩm hoặc phun chất diệt mối mọt để bảo quản, làm bóng... Người ta còn dùng các chất tẩy để tẩy trắng mực, lòng heo, bắp chuối, măng, ngó sen, thịt gà, vịt, kể cả bột làm bún, bánh bao... Đối với vịt, nhiều người sử dụng công nghệ nhổ lông vịt siêu tốc bằng cách nhúng vào nhựa thông nấu nóng, rồi vuốt nhẹ lông cho sạch, sau đó tẩy trắng vịt bằng hóa chất...
Thực phẩm không vệ sinh và không an toàn là do thực phẩm nhiễm vi sinh hoặc do sử dụng những loại hóa chất độc hại. Khi người sử dụng ăn phải có thể bị ngộ độc thực phẩm. Các bệnh lây truyền qua thực phẩm trong đó có những bệnh gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Khi sử dụng độc chất gây hại tích lũy trong cơ thể lâu dài đến một ngưỡng nào đó sẽ gây hại (như gây ra suy gan, suy thận, ung thư...) thì gần như ít ai biết và rất khó để xử lý, và khó phòng ngừa.
Bảo đảm chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, chúng tôi cung cấp một số thông tin để người tiêu dùng tham khảo, nhất là trong những ngày Tết và cận Tết để bữa ăn không là nguồn gây bệnh: Cần chọn thực phẩm tươi sạch; giữ vệ sinh nơi ăn uống và khi chế biến thực phẩm; sử dụng đồ dùng nấu nướng và ăn uống sạch sẽ; chuẩn bị thực phẩm sạch sẽ và nấu chín kỹ; ăn ngay sau khi thức ăn vừa nấu xong hoặc vừa chuẩn bị xong; bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại trước khi ăn; giữ vệ sinh cá nhân tốt; sử dụng nước sạch trong ăn uống; sử dụng vật liệu bao gói thực phẩm sạch sẽ, thích hợp và đạt tiêu chuẩn vệ sinh; thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ.
Diệu Hiền